Đổi mới giáo dục theo hướng tự nghiên cứu

Gần đây, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực đổi mới hoạt động giáo dục, chú trọng cải thiện chất lượng đào tạo, nhưng nhiều trường ở nước ta vẫn chưa thể áp dụng chuẩn tiên tiến, dạy học theo hướng khuyến khích học sinh sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu.

Gần đây, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực đổi mới hoạt động giáo dục, chú trọng cải thiện chất lượng đào tạo, nhưng nhiều trường ở nước ta vẫn chưa thể áp dụng chuẩn tiên tiến, dạy học theo hướng khuyến khích học sinh sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu.

Ngoài nguyên nhân do sĩ số lớp đông, khó áp dụng cách dạy học theo chuẩn tiên tiến thì trở ngại chính là do trình độ giáo viên ở các cấp học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Yêu cầu cụ thể của việc đổi mới phương pháp dạy học là phải lấy học sinh làm trung tâm và dạy những gì học sinh cần chứ không phải dạy những gì giáo viên biết và chỉ nhồi nhét kiến thức theo sách giáo khoa, tạo áp lực học thêm… Như thế, để có những bài giảng hay, tiết học hấp dẫn thì mỗi giáo viên phải đổi mới tư duy, nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự làm mới bản thân.

Theo tiến sĩ Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TPHCM) năng lực tự học, tự nghiên cứu của giáo viên là những năng lực quan trọng để dạy, hướng dẫn học sinh biết tự học, tự nghiên cứu. Sẽ khó có thể tạo ra một học sinh biết tự học, tự nghiên cứu nếu như người thầy chưa biết cách học hiệu quả hoặc lúng túng trong vấn đề này. Điều này thể hiện khá rõ là đa số giáo viên chỉ đóng vai trò “thợ dạy” chứ chưa coi trọng việc nâng cao năng lực tự bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, đổi mới cách truyền thụ kiến thức cho học sinh.

Ngoài những nguyên nhân trên đây, có một thực tế không thể phủ nhận được, đó là chương trình học ở mỗi cấp học, mỗi lớp học và mỗi tiết học thường là quá tải không chỉ đối với học sinh mà còn ngay với cả giáo viên. Điển hình như trong môn văn, có những tác phẩm văn học bất hủ, một tài sản trong kho tàng văn học nước nhà, nhưng thời lượng để chuyển tải đến học sinh lại quá ít. Để không bị “cháy” giáo án, thầy trò phải chạy đua với thời gian. Thầy không có đủ thời gian nghiên cứu đổi mới phương pháp truyền đạt để học sinh có thể cảm thụ hết nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, còn học sinh dễ dẫn đến tình trạng bội thực. Chính áp lực từ chương trình học quá tải làm cho giáo viên không còn thời gian tự học hỏi, tự nghiên cứu, nâng chất lượng giảng dạy. Nhiều bài giảng từ một người thầy cứ lặp đi lặp lại qua từng năm học, hết lớp học trò này đến lớp học trò khác. Mà mỗi lớp học trò mới trong thời đại bùng nổ thông tin, chịu khó tìm tòi đều có thể cập nhật những bài giảng, những thông tin mới, và thế là bài giảng có “tuổi thọ” nhiều năm của thầy trở nên lạc hậu.

Nói chung, muốn nâng chất lượng giảng dạy, ngoài việc nâng cao năng lực tự học của bản thân, người thầy còn phải biết cách khuyến khích, hướng dẫn năng lực tự học cho học sinh. Thầy cô không chỉ tự tìm tòi nghiên cứu mà phải biết cách hướng dẫn học sinh tìm tòi nghiên cứu. Có như vậy, bài giảng của thầy không bao giờ trở thành đường mòn, xơ cứng và kiến thức của học trò cũng được bồi bổ thường xuyên, đạt yêu cầu của đổi mới giáo dục. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - thầy giáo Nguyễn Tất Thành - đã từng chỉ dạy rằng giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi dừng lại, mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước.

Ý YÊN

Tin cùng chuyên mục