Đổi mới nội dung môn Giáo dục công dân

Đổi mới nội dung môn Giáo dục công dân

Theo nhận định của nhiều giáo viên dạy môn Giáo dục công dân (GDCD) thì môn học này chưa được coi trọng và đặt đúng vị trí của nó. Do xem môn học này là môn phụ nên nhiều trường chưa đầu tư, còn giáo viên thì thiếu chuyên nghiệp, thiếu phương pháp sư phạm và dạy “chay”- thiếu liên hệ thực tế…

Trong khi đó các nhà biên soạn sách thì ôm đồm - đưa quá nhiều nội dung, kiến thức không thể xếp vào môn học nào vào môn GDCD. Điều này đã khiến học sinh từ bậc THCS đến THPT đều cảm thấy áp lực vì chương trình nặng, phải học quá nhiều nội dung khó hiểu, hàn lâm. Không chỉ học về chủ đề đạo đức, pháp luật, trách nhiệm công dân, trật tự an toàn giao thông, giáo dục sức khỏe, sinh sản giới tính, kỹ năng sống, học sinh còn phải căng não để hiểu về phạm trù triết học, thế giới quan duy vật, biện chứng…

Ngay ở bậc THPT, học sinh cũng than rằng nhiều kiến thức phải học vừa cao siêu, trừu tượng, không biết áp dụng vào đâu. Nguyên nhân chính là do các nhà biên soạn sách giáo khoa xa rời thực tiễn, nhiều nội dung kiến thức cũ, lạc hậu không gắn với thực tế, nhưng lại không được chỉnh sửa, cập nhật. Nếu giáo viên không làm mới bài giảng, không thổi hồn vào từng tiết dạy và cập nhật thông tin mới thì học sinh càng ngán học môn này. Cụ thể, ở chương trình  lớp 12, học sinh được học về nội dung tiền tệ, thị trường, lưu thông hàng hóa… Nếu giáo viên chỉ bám theo nội dung xơ cứng của sách giáo khoa, thiếu sáng tạo trong cách truyền thụ kiến thức thì không thể định hướng nghề nghiệp, gieo mầm ý tưởng kinh doanh cho học sinh. Nhiều học sinh lớp 12 ở Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM sau khi được khuyến khích viết  ý tưởng  kinh doanh, thử làm người chủ - từ mở quán cà phê đến kinh doanh hàng tiêu dùng…- đã thích thú với đam mê khởi nghiệp. Như thế, ở lứa tuổi phổ thông - có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, hình thành nhân cách, học sinh cần được trang bị kỹ năng sống, định hướng đam mê nghề nghiệp từ ý tưởng đến trải nghiệm thực tế.

Chúng ta đang ở thế kỷ 21 đầy cạnh tranh và để giúp giới trẻ hội nhập, trở thành công dân toàn cầu thì chương trình sách giáo khoa môn GDCD phải được thiết kế lại theo hướng khoa học, nội dung, chủ đề gần gũi với cuộc sống. Ngoài cung cấp nền tảng tri thức, cần phải đặt nặng giáo dục kỹ năng, định hướng tâm lý cho học sinh từ những việc nhỏ nhất. Đó là sự tự tin, dũng cảm, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân cho đam mê, sở trường… Không chỉ định hướng nghề nghiệp cho học sinh trở thành giáo viên, kỹ, sư, bác sĩ, các nhà khoa học tài năng…, đã đến lúc nhà trường phải gieo mầm ý tưởng khởi nghiệp, trở thành doanh nhân cho học trò từ các cấp học. Để đặt nền tảng giáo dục tinh thần khởi nghiệp thì chương trình dạy môn GDCD phải luôn mở, khuyến khích ý thức làm giàu của học sinh, giới trẻ.

HÀ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục