
Những ngày qua, TP Buôn Ma Thuột và hầu hết các địa phương trong tỉnh Đắc Lắc – rợp màu cờ, hoa và băng rôn biểu ngữ cổ động cho sự kiện chính trị quan trọng – Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Không khí hào hứng, phấn khởi chào mừng đại hội Đảng tỏa đi khắp các buôn làng – tại cả những nơi đã từng là điểm “nóng” trong vụ gây rối trật tự công cộng cách nay gần 2 năm.

Vợ chồng Y Cam Nie ở buôn Pốk xã Ea Pốk, huyện Cư M’Gar bên ngôi nhà mới và số cà phê bội thu.
Hai bên đường từ trung tâm thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Gar về buôn Ea Mấp, những ngôi nhà mới mọc lên san sát. Già làng MaXi dẫn chúng tôi về buôn, cứ luôn miệng giới thiệu: “Nhà mới của đồng bào mình cả đấy”. Đến thăm nhà Ma Yo - một triệu phú mới của buôn Ea Mấp - chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe câu chuyện làm giàu của chàng thanh niên 30 tuổi này.
Mới hơn một năm trước thôi, chỉ vì nghe theo lời bọn xấu xúi giục mà gia đình anh lâm vào kiệt quệ: cây cà phê chết cháy vì không người trông nom, bồ lúa không một hạt, vợ con nheo nhóc… Trở về sau lỗi lầm của mình, Ma Yo như gạt hết mọi mặc cảm và anh lao vào làm ăn. Từ số vốn vay 5 triệu đồng và 5 sào đất nhà nước cấp, năm đầu anh trồng bông xen với cà phê và thật bất ngờ khi thu về gần 50 triệu đồng. Năm sau, cũng với phương thức bông xen cà phê, cộng với đàn heo và bò gần chục con, vợ chồng Ma Xo trúng thêm gần trăm triệu đồng.
Như để chứng minh thêm về sự đổi thay và đi lên của buôn Ea Mấp, Già làng Ma Xi nhẩm tính: “Cả buôn mình có hơn 300 hộ, giờ chỉ còn gần 30 hộ nghèo đang cần sự giúp đỡ của nhà nước. Nhiều hộ mấy năm nay giàu lên nhanh lắm, không chỉ có Ma Yo đâu – mà còn có Y Hiat Mlô, Y Ger, Y Khoan… đều mới xây được nhà to. Bây giờ thì chẳng ai dại gì mà nghe theo bọn xấu để đi đâu nữa”.
Đến buôn Pốk, một điểm “nóng” của huyện Cư M’Gar trong vụ gây rối cách nay gần 2 năm, chúng tôi thật bất ngờ trước sự đổi thay tại đây. Con đường từ xã dẫn về buôn trước kia gồ ghề, lầy lội – nay được san ủi phẳng ì, rộng thênh thanh. Trưởng buôn Y Siết Nie đưa chúng tôi đến thăm gia đình Y Cam đúng lúc hai vợ chồng anh vừa đi rẫy về.
Chị Sui Tert cười thật tươi, vừa mời khách vào nhà vừa giới thiệu: “Hơn một năm nay, chồng mình nó chỉ lo làm ăn thôi. Ngôi nhà to này do nó làm ra đấy”. Đôi vợ chồng trẻ này chỉ sau hơn một năm chí thú làm ăn, đã giàu lên nhanh chóng, Trưởng buôn Y Siết Nie kể: “Chỉ riêng đàn heo thôi, một tay vợ nó đã nuôi được cả chục con. Cộng với cà phê và lúa, mỗi năm nó thu về hơn 50 triệu đồng. Chúng nó còn trẻ nhưng không chịu đẻ nhiều-chỉ 2 đứa thôi, nên có dư xây nhà và sắm sửa đủ cả đấy”.
Đến xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana, chúng tôi cũng dễ dàng nhận ra sự đổi thay và đời sống người dân đi lên tại đây. Tại các buôn xa xôi và khó khăn nhất trước kia như buôn H’Lúk, buôn Ea Tiêu, buôn Ea Bung…, nay đường nhựa và lưới điện quốc gia đã được dẫn về tới tận từng nhà. Bí thư Đảng ủy xã Ea Tiêu Y Tắc Ê Ban dẫn chúng tôi đến thăm vợ chồng Ma Nháp, một “đối tượng” như anh giới thiệu, đã nghe theo lời bọn xấu xúi giục trốn sang Campuchia, nay trở về làm ăn và cũng đang khá lên.
Chị H’Benir cười và nói ngay khi nghe hỏi về chuyện cũ: “Vợ chồng mình chỉ lầm lỡ một lần thôi. Bây giờ thì chỉ lo làm kinh tế thôi. Nhà mình được cấp 5 sào đất để chồng trồng cà phê. Còn mình hơn một năm nay được nhận vào làm việc tại Nông trường Cà phê 19-8, nhờ vậy mà đời sống khá lên, mình không dại gì mà nghe theo ai xúi giục nữa”.
Bí thư Đảng ủy Y Tắc Ê Ban cho biết trường hợp như gia đình vợ chồng Ma Nháp không hiếm ở xã Ea Tiêu. Sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình 134 của Chính phủ, tính đến nay cả xã đã có 62 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được nhận nhà mới (9 triệu đồng/căn) và hơn 30 hộ được hỗ trợ gần10 ha đất để sản xuất. Hiện xã đang khởi công thêm 81 căn nhà nữa để bàn giao cho đồng bào kịp đón Tết trong ngôi nhà mới. Chương trình cho vay hỗ trợ sản xuất cũng vậy, hiện đã có hơn 4 tỷ đồng được giải ngân để đồng bào đầu tư vào cây cà phê, con heo, con bò. “Chắc chắn chỉ một năm nữa là xã mình hết hộ nghèo thôi” – Bí thư Đảng ủy xã Ea Tiêu Y Tắc Ê Ban khẳng định.
Phạm Hoài Nam