Đó là bài học kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp (DN) có tổ chức cơ sở Đảng thuộc Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM. Lấy bài học từ vụ “lương khủng” xảy ra tại 4 DN công ích trên địa bàn TP thời gian vừa qua, các DN đang có nhiều nỗ lực thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, chủ động tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân để tìm tiếng nói chung, tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện tốt trong thực hiện chính sách và đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động.
Không giấu giếm
Sau nhiều năm ngừng hoạt động, năm 2013, Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương đưa nhà máy mới tại KCN Tân Tạo vào sản xuất thử. Cùng với việc công khai tình hình sản xuất kinh doanh, những thuận lợi khó khăn và kế hoạch phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh mà UBND TPHCM giao, DN còn công khai báo cáo tài chính, việc khó huy động vốn để hoàn công nhà máy, sản xuất kinh doanh và cách sử dụng hiệu quả vốn; công khai doanh thu; nêu rõ lỗ, lãi và nguyên nhân cũng như biện pháp để tăng lãi, giảm lỗ. Thu nhập của lãnh đạo và cán bộ chủ chốt cũng được công khai theo quy định.
Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc, Bí thư chi bộ Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương thẳng thắn: Lãnh đạo và công đoàn cơ sở đã chú trọng tạo ra những kênh liên lạc giữa lãnh đạo DN và người lao động, khắc phục sự mù mờ, hoang mang… dẫn đến lợi ích chính đáng của người lao động dễ bị xâm phạm.
Cuối năm 2013, trong buổi đối thoại định kỳ đầu tiên, nhiều nội dung được đại diện người lao động chất vấn rất hóc búa, xoay quanh tình hình nguyên liệu sản xuất, chế độ lương thưởng cuối năm… Do nhà máy mới đi vào vận hành sản xuất thử, mọi việc còn ngổn ngang nên lãnh đạo DN đã giải thích bằng chính tình hình thực tế, công khai doanh thu gia công, năng suất và sản lượng. Bằng sự chân thành, không giấu giếm, buổi đối thoại đã có được sự thấu hiểu của người lao động và đi đến sự thống nhất: DN áp dụng chế độ trợ cấp cuối năm.
Ông Lê Văn Hùng cho biết, sau hội nghị, DN cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động thực hiện quyền giám sát, kiểm tra tất cả những nội dung đã được trao đổi. Việc thực hiện quyền giám sát, kiểm tra của người lao động ở DN qua sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng và sự tham gia quản lý của tổ chức công đoàn; qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, hoạt động kiểm toán theo quy định…
Tránh nhàm chán
Ông Phạm Tuấn Thức, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thanh niên chia sẻ, ban đầu, DN đã thực hiện đối thoại, đã thông báo tình hình sản xuất kinh doanh, chăm lo cho công nhân. Tiếp đó, lại lo rằng kỳ đối thoại tới đây sẽ… không biết làm gì nữa! Chỉ ngại buổi đối thoại sẽ biến thành buổi báo cáo của lãnh đạo, rồi mọi người thống nhất cao, rồi… đi về! Làm sao để có được sự đồng cảm, cùng hướng đến thực hiện tốt nhiệm vụ? Sau đó, DN rút ra kinh nghiệm, mỗi buổi đối thoại nên sinh hoạt thành chuyên đề, hai bên cùng gặp nhau trong các vấn đề còn khúc mắc.
Tại Công ty TNHH một thành viên Lê Quang Lộc (ngành in), những thắc mắc của người lao động rất thực tế như: “Tại sao tôi làm ở cái máy này đòi hỏi công nghệ cao mà lương lại thấp hơn. Tại sao ông kíp trưởng nghỉ phép mà lại không cho điều động người khác trám vô?”. Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc công ty cho biết, trong khi đối thoại, lãnh đạo DN cũng nhận được những chia sẻ của công nhân về kinh nghiệm sản xuất, điều chỉnh quy trình sản xuất sao cho nhận tin, nhận file một cách chính xác; làm sao 1 người có thể trông coi được nhiều máy, đảm bảo thu nhập. Việc tự đào tạo nghề từ đó được coi trọng, DN luôn đảm bảo lúc nào cũng có lao động có nghề, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng nhanh, gấp rút, chạy đua theo thời gian. Để đối thoại chất lượng, ông Nguyễn Đình Phúc cho rằng, việc chuẩn bị đối thoại phải chu đáo. Trước đối thoại, hai bên gặp nhau đưa ra các nội dung đề nghị đối thoại để mỗi bên chuẩn bị, góp ý. Trên cơ sở đó, trong buổi đối thoại, hai bên trao đi đổi lại.
Theo ông Lê Văn Hùng, khâu quan trọng nhất là nội dung đối thoại. Người lao động mạnh dạn nêu ý kiến, chất vấn; lãnh đạo phải giải đáp được, thực chất là giải quyết được những vấn đề chính sách chính đáng mà người lao động nêu ra, nếu điều nào chưa giải quyết được thì phải giải thích có lý, có tình. Nội dung đối thoại lần sau phải mới hơn, tích cực hơn lần trước. Còn nếu lần đối thoại nào cũng lặp đi lặp lại những vấn đề cũ một cách bế tắc thì đó chỉ là đối thoại hình thức, không giải quyết được gì và sẽ đi vào nhàm chán.
Vai trò của cấp ủy, của ban giám đốc và tổ chức công đoàn trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nếu cấp ủy không quan tâm, tất yếu ban lãnh đạo và công đoàn sẽ xem nhẹ. Từ đó, sẽ bỏ qua việc thực hiện các quy chế dân chủ hoặc thực hiện chỉ để cho có, không cần biết chất lượng, hiệu quả ra sao. Hệ quả đó sẽ đưa đến những yếu kém, những thiệt hại và những phản ứng tiêu cực từ bộ máy tổ chức nhân sự, từ người lao động.
MẠNH HÒA