Những người yêu mến nghệ thuật truyền thống đã có một cảm nhận đầy lạc quan và tin tưởng ở lớp trẻ khi tham dự Liên hoan Đờn ca tài tử TPHCM giải Hoa Sen Vàng. Hy vọng về một lực lượng trẻ tâm huyết, cháy hết mình với loại hình nghệ thuật hàng trăm năm tuổi - tài sản tinh thần, di sản văn hóa của Việt Nam và của cả nhân loại - mai này sẽ được kế thừa và phát triển xứng đáng với tầm vóc của nó.
Tài tử Văn Tài và Huỳnh Triệu Phú với tiết mục “Việt Nam Hồ Chí Minh” tại liên hoan
Rất nhiều khán giả chưa quên ấn tượng về cậu bé Huỳnh Triệu Phú (11 tuổi). Có giọng ca vừa hồn nhiên vừa cứng cỏi, chắc chữ và vững nhịp, Triệu Phú mang đến cảm xúc ngạc nhiên lẫn thích thú cho người mộ điệu. Ít ai nghĩ, cậu bé lại “rinh” Huy chương Bạc tại Liên hoan Đờn ca tài tử TPHCM và gần đây nhất là giải A tại Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Long An năm 2015… Phú biết hát khi mới học lớp 3. Anh Huỳnh Hoàng Ngọc - ba của Phú kể, Phú mê ca hát từ nhỏ. Khi đó, dù ca chưa “rành” nhưng mỗi khi hàng xóm có đám tiệc, có ca hát là Phú chạy qua xin ca một bài, có đoạn nhớ đoạn quên nhưng cậu bé vui vì được mấy cô chú vỗ tay ủng hộ. Niềm đam mê từ đó lớn dần. Ở gia đình có cậu Út cùng các cô chú hay tổ chức chơi đờn ca tài tử tại nhà. Mỗi lần như vậy, Phú nghe lỏm và tự học những người bạn của cậu. Thấy cháu trai đam mê, cậu Út đã chỉ dạy những kiến thức cơ bản nhất cho Phú. Rồi, từ những buổi sinh hoạt tài tử “cây nhà lá vườn” này đã thổi bùng đam mê của cậu bé với loại hình âm nhạc truyền thống rồi cậu được cô chú Thiên Thanh, Hoàng Rãng nhận làm đệ tử. Bây giờ Phú có thể tự tin ca được nhiều bài bản như: Vọng kim lang, Đoản khúc Lam giang, Vọng cổ nhịp 8, nhịp 16…
Nếu như Triệu Phú được trời phú cho giọng ca thì Lê Minh Khôi (10 tuổi) vừa có giọng ca vừa có ngón đờn khá điêu luyện. Quê ở Cần Đước, Long An, ông cố của Minh Khôi có thể chơi được nhiều nhạc cụ, ông nội là người chơi guitar phím lõm. Ba của Minh Khôi, anh Lê Minh Hùng là một tay guitar phím lõm trong nhóm bạn Đờn ca tài tử ở TPHCM. Biết con trai mê nhạc tài tử, anh Lê Minh Hùng đã mua tặng cậu một cây đờn sến và bộ song lang. Hàng ngày chăm chỉ luyện tập với thầy Quốc Trung, ngón đờn của Khôi ngày càng chắc tay… Năm Khôi 8 tuổi, trong một lần cùng bạn bè đi chơi ở Cổ Thạch, lúc mọi người chơi hòa tấu thì Khôi nhìn thấy cây đờn sến và bắt đầu mê cây đờn này. Đây là loại đờn cổ rất khó chơi, nhất là với người trẻ nhưng Khôi vẫn quyết tâm học. Mỗi buổi tối sau khi học bài xong, Khôi được ba rèn thêm nên bây giờ em đã chơi khá thuần thục nhiều bài. “Em có thể đờn được các bài Sương chiều - Tú anh, Long hổ hội, Lý con sáo, Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo và Vọng cổ”, Khôi khoe. Tại Liên hoan Đờn ca tài tử giải Hoa Sen vàng TPHCM 2015, Minh Khôi đã đoạt Huy chương vàng độc tấu đờn sến.
Lê Minh Khôi - Huy chương vàng độc tấu đờn sến tại giải Hoa sen vàng 2015 (Ảnh: LÊ MINH)
Không chỉ có những gương mặt quen thuộc, làng âm nhạc tài tử đã xuất hiện những gương mặt mới khá ấn tượng. Ngoài tài tử nhí Nguyễn Trương Thế Thanh (huyện Bình Chánh), năm qua làng tài tử TPHCM đã xuất hiện thêm nhiều chồi non mới rất đáng khích lệ, đó là: Trần Thị Yến Nhi (7 tuổi, quận 12), Công Tuyển (5 tuổi, Củ Chi), Phan Thị Ngọc Châu (12 tuổi, huyện Củ Chi) Phạm Thị Kha Thy (10 tuổi, huyện Củ Chi), Nhựt Đức (13 tuổi, huyện Bình Chánh), Bảo Ngọc (12 tuổi, quận 2)… Đặc biệt, cả hội trường vang dội với những tràng pháo tay khi cô bé Huỳnh Phạm Ngọc Trân mới 5 tuổi cất giọng bài ca vọng cổ. “Không chỉ thế, liên hoan còn ghi nhận sự hoán ngôi, bứt phá về ngón đờn, giọng ca một cách thú vị, khi một số câu lạc bộ ở tốp cuối của những năm trước nay đã chững chạc bước lên tốp đầu như: Củ Chi, Bình Thạnh, quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Quận 8, quận 2..”, ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM, không giấu được niềm vui.
Một dấu son cần ghi nhận nữa đó là hoạt động “Đưa âm nhạc truyền thống đến học đường” do Trung tâm Văn hóa TPHCM, Nhạc Viện TPHCM và Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM cùng phối hợp tổ chức. Chương trình đến nay đã thực hiện gần 100 buổi biểu diễn tại các trường trung học cơ sở khắp các quận huyện tại TPHCM, giúp các em học sinh có dịp tìm hiểu thêm về âm nhạc truyền thống của dân tộc. Đề án bảo tồn và phát huy giá trị đờn ca tài tử Nam bộ đang được các ngành chức năng TPHCM hoàn thiện, sẽ là cơ sở để nghệ thuật đờn ca tài tử được đầu tư, đào tạo và phát huy tốt nhất.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh nhận định: “Từng gắn bó với phong trào đờn ca tài tử hàng chục năm qua, tôi thật sự vui mừng bởi liên hoan lần này đã thể hiện tính chuyên nghiệp cao: thí sinh luyện tập nghiêm túc, chất lượng nghệ thuật nâng cao, có tinh thần tự giác và quyết tâm. Âm nhạc truyền thống, tài tử, sân khấu cải lương cũng đã đến học đường với học sinh trung học… Với tinh thần này, chắc chắn lực lượng kế thừa nghệ thuật đờn ca tài tử của vùng đất lành TPHCM sẽ ngày càng phát triển, vững mạnh và căn cơ”.
|
MINH AN