Động đất, sóng thần lớn nhất lịch sử Nhật Bản: Hàng trăm người thương vong

Japan Times đưa tin, trận động đất mạnh 8,9 độ richter xảy ra tại vùng duyên hải Thái Bình Dương đã làm rung chuyển Đông Bắc Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo và nhiều tỉnh lân cận.
Động đất, sóng thần lớn nhất lịch sử Nhật Bản: Hàng trăm người thương vong
  • Trên 30 triệu người bị ảnh hưởng
  • Việt Nam không nằm trong danh sách bị ảnh hưởng

Japan Times đưa tin, trận động đất mạnh 8,9 độ richter xảy ra tại vùng duyên hải Thái Bình Dương đã làm rung chuyển Đông Bắc Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo và nhiều tỉnh lân cận.

  • Thiệt hại không ngừng gia tăng

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, trận động đất xảy ra lúc 14 giờ 46 (giờ địa phương), kéo dài trong vài phút. Tâm chấn động đất ở Sendai, thủ phủ tỉnh Miyagi, cách thủ đô Tokyo 382km về phía Đông - Bắc và ở độ sâu 10km. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi điện thăm hỏi

Được tin ngày 11-3-2011, tại nhiều vùng của Nhật Bản đã xảy ra động đất và sóng thần gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện tới Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, bày tỏ lời thăm hỏi chân thành đến nhân dân vùng bị nạn. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto.

Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, trận động đất 8,9 độ richter xảy ra ở Nhật có cường độ lớn thứ bảy trong lịch sử nhân loại từng được ghi nhận và là trận động đất lớn nhất lịch sử nước Nhật. Thông tin về số người thiệt mạng trong vụ động đất liên tục tăng cao.

Theo thông tin của Đài Truyền hình NHK số người thiệt mạng 95 người, hàng trăm người bị thương. Trong khi các hãng tin AP, AFP ghi nhận số người chết lên khoảng hơn 300 người. AP dẫn nguồn tin từ cảnh sát tỉnh Miyagi cho biết, họ đã phát hiện khoảng 200-300 thi thể tại riêng phường Wakabayashi của thành phố Sendai thuộc tỉnh này và đây đều là cư dân địa phương.

Trong khi đó vẫn còn hơn 300 người bị mất tích. Tại thành phố Sendai, thủ phủ tỉnh Miyagi, sóng thần cao 10m đã cuốn nhiều tàu, thuyền vào khu vực bờ biển, đồng thời cuốn trôi nhiều ô tô trên các tuyến đường tại các thị trấn ven biển. Tại tỉnh Iwate cũng xuất hiện sóng thần cao tới 4m. Sau khi xảy ra trận động đất, tại tỉnh Miyagi đã ghi nhận hơn 50 cơn địa chấn, có những cơn địa chấn mạnh đến 6,0 độ richter.

Động đất gây cháy nổ tại nhà máy lọc dầu tỉnh Chiba. Ảnh: AP

Động đất gây cháy nổ tại nhà máy lọc dầu tỉnh Chiba. Ảnh: AP

Việt Nam không nằm trong danh sách bị ảnh hưởng

Liên quan đến trận động đất mạnh 8,9 độ richter và gây ra sóng thần ở Nhật Bản trong ngày 11-3, chiều qua (11-3), trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (thuộc Viện Vật lý địa cầu) khẳng định: Trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản không ảnh hưởng gì đến Việt Nam. Ngay sau khi động đất xảy ra, cả Nhật Bản và Mỹ đã thông báo danh sách tất cả đất nước bị cảnh báo cấp 1 và các nước xung quanh bị ảnh hưởng, nhưng không có Việt Nam trong danh sách này.

T.BÌNH

Động đất cũng gây ảnh hưởng đến nhiều địa phương khác của Nhật như tỉnh Chiba, Fukushima, thành phố Yokohama…

Hệ thống tàu điện Shinkansen, tàu điện ngầm ngừng hoạt động, tiếng xe còi hú khắp nơi còn dân chúng sơ tán khỏi các tòa nhà. Tàu cũng ngừng hoạt động. Thành phố Sendai và một phần thủ đô Tokyo bị mất điện trên diện rộng. Các đám cháy xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trên đảo Honshu, trong đó có thủ đô Tokyo và tỉnh Miyagi.

Một nhà máy thép và một nhà máy lọc dầu gần Tokyo bị cháy. Theo hãng tin Kyodo, 13.000 người mắc kẹt tại sân bay Narita. Nhưng cho đến cuối ngày 11-3, các chuyến bay hầu như đã được khởi động lại. 10.000 người mắc kẹt tại các ga của sân bay Haneda và 711 chuyến bay nội địa đã bị hủy bỏ.

Có khoảng 4,4 triệu hộ gia đình ở 6 tỉnh của Nhật Bản đã bị cắt điện do động đất. Giao thông ở nhiều khu vực, trong đó có thủ đô Tokyo, đang bị tắc nghẽn. Tại khu vực Tokyo (gồm cả vùng Kanto) có khoảng 30 triệu người bị ảnh hưởng do giao thông tê liệt. Trước đó, Nhật Bản đưa ra cảnh báo sóng thần ở mức cao nhất, cho rằng sóng có thể cao tới 6m.

Một góc đường tại thành phố Urayasu tỉnh Chiba, Nhật Bản sau trận động đất. Ảnh: AFP

Một góc đường tại thành phố Urayasu tỉnh Chiba, Nhật Bản sau trận động đất. Ảnh: AFP

  • Báo động khẩn cấp về điện hạt nhân

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã xuất hiện hiện tượng bất thường sau động đất. Trước đó, hệ thống làm mát lõi các lò phản ứng trong trường hợp khẩn cấp đã ngừng hoạt động tại lò phản ứng số 1 và số 2 thuộc nhà máy do Công ty Điện lực Tokyo điều hành. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn về điện hạt nhân sau khi xảy ra hỏa hoạn tại nhà máy điện hạt nhân Onagawa, trực thuộc công ty này. Trong khi đó, Công ty Điện lực Tohoku cho biết, một nhà máy hạt nhân của công ty này tại tỉnh Miyagi cũng đã bị cháy tại một trạm turbin do ảnh hưởng của trận động đất. Nguyên nhân hỏa hoạn đang được điều tra. Hiện chưa có báo cáo về việc rò rỉ phóng xạ hay thương vong.

Hỏa hoạn xảy ra tại TP Notori tỉnh Miyagi, Nhật Bản sau trận động đất. Ảnh: AFP

Hỏa hoạn xảy ra tại TP Notori tỉnh Miyagi, Nhật Bản sau trận động đất. Ảnh: AFP

  • Các biện pháp hỗ trợ

Chính phủ Nhật Bản đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và phái Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tới tỉnh Miyagi để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã điều máy bay tới đánh giá thiệt hại tại các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chính sách cơ bản để xử lý hậu quả của trận động đất, gồm các biện pháp cần thiết để sơ tán người dân, cứu trợ và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng; triển khai các nhóm cứu trợ khẩn cấp ở các khu vực bị ảnh hưởng, phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương. Các đảng phái chính trị Nhật Bản cũng khẳng định ủng hộ Chính phủ soạn thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2010 (kết thúc vào 31-3-2011) để tài trợ cho các hoạt động cứu trợ sau thảm họa động đất.

  • Ảnh hưởng nhiều quốc gia

Những trận động đất, sóng thần lớn trong lịch sử

– 10-2010: Núi lửa và sóng thần đã giết 500 người ở Indonesia.
– 2-2010: Động đất mạnh 8,8 độ richter tại Chile, làm 524 người chết.
– 9-2009: Động đất mạnh 8 độ richter và sóng thần cao 12m giết 194 người ở Thái Bình Dương.
– 7-2006: Động đất mạnh 6,1 độ richter tại đảo Java, giết chết 600 người.
– 3-2005: Động đất mạnh 8,6 độ richter tại đảo Sumatra làm 1.300 người chết.
– 12-2004: Sóng thần Ấn Độ Dương, gây ra trận động đất mạnh 9 độ richter, giết 230.000 người ở hàng chục quốc gia.
– 8-1976: Động đất mạnh 8 độ richter và sóng thần tại Mindanao và Sulu, Philippines làm 5.000 người chết.

PHƯƠNG NAM (theo AP)

Liên quan tới trận động đất kinh hoàng này, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) thông báo sóng thần đã ập vào bờ biển Đông Bắc và Đông Đài Loan, tuy nhiên chưa có thông tin về thiệt hại.

Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đưa đảo Đài Loan, Philippines, quần đảo Marshall, đảo Guam, Indonesia, Papua New Guinea, Nauru, quần đảo Hawaii, Micronesia vào danh sách những nơi có nguy cơ bị sóng thần tấn công.

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga ban bố cảnh báo sóng thần hôm nay tại quần đảo Kuril. Indonesia yêu cầu các khu vực phía Đông bao gồm Papua, Maluku và Bắc Sulawesi đề phòng sóng thần.

Philippines kêu gọi người dân sống dọc theo bờ biển phía Đông sẵn sàng sơ tán nếu sóng thần ập tới. Những đợt sóng thần đã tấn công khu vực Hawaii của Mỹ nhưng không gây thiệt hại.

Theo một quan chức của trung tâm khẩn cấp tại Honolulu, đã xuất hiện các con sóng nhỏ ở Nawiliwili trên đảo Kauai và đảo Oahu.

Các nước Mỹ Latinh dọc Thái Bình Dương từ Mexico đến Peru đã phát lệnh cảnh báo sóng thần.

Sóng thần sau động đất đã cuốn trôi phương tiện lưu thông tại sân bay Sendai, tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Ảnh: AP

Sóng thần sau động đất đã cuốn trôi phương tiện lưu thông tại sân bay Sendai, tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Ảnh: AP

  • Cộng đồng quốc tế sẻ chia

Ngay sau khi trận động đất xảy ra, LHQ thông báo sẵn sàng gửi các nhóm tìm kiếm và cứu trợ đến Nhật Bản nếu Tokyo yêu cầu. Văn phòng Phối hợp hỗ trợ nhân đạo LHQ cho biết, 30 đội tìm kiếm - cứu nạn quốc tế đã sẵn sàng tới Nhật Bản để hỗ trợ công tác tìm kiếm nạn nhân. Các nước Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… gửi lời chia buồn và tuyên bố sẵn sàng gửi các đội cứu hộ tới Nhật Bản tham gia khắc phục hậu quả sau động đất. Chính phủ Nhật Bản đã gửi lời yêu cầu trợ giúp đến Mỹ và Chính phủ Mỹ tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ đến mức tối đa.

THANH HẰNG - NHƯ QUỲNH

Video về các đợt sóng thần ập vào Nhật Bản

Lời kể của những người Việt sống trên đất Nhật

Sau trận động đất, PV Báo SGGP đã nối liên lạc với một số người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản.

Hương Trà (27 tuổi đang theo học về y học cổ truyền ở thành phố Tsukuba ở tỉnh Ibaraki): “Toàn bộ các bình hóa chất trong phòng thí nghiệm đều đổ xuống sàn, văng tung tóe. Máy móc, thiết bị đổ nát. Thật kinh khủng! Một nhóm hơn 10 sinh viên Việt Nam đang ngồi cùng nhau, chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống xảy ra vì được nghe thông báo có thể xuất hiện thêm một trận động đất nữa”.
Minh Châu (25 tuổi, sống ở Yokohama, miền Nam Nhật Bản): “Khu vực tôi ở không bị thiệt hại nhưng theo dõi tin tức, thấy số thương vong tăng liên tục, số người mất tích lên đến 1.000 người. Thật kinh khủng! Tôi buồn hơn bao giờ hết!”.

Xuân Thanh (28 tuổi, sống tại Tokyo): “Thảm họa động đất xảy ra lúc tôi đang làm việc trên tầng 8 ở một tòa nhà cao tầng. Mọi thứ lúc đó đều rung lắc. Nhiều người trong văn phòng tìm gầm bàn làm nơi trú ẩn. Nhiều người khác chạy thoát thân ra ngoài để kịp trở về nhà. Sống ở Nhật đã hơn 7 năm, nhưng tôi chưa từng chứng kiến một trận động đất khủng khiếp như thế này”.

P.NAM - N.QUỲNH 

>> Nhật Bản: Động đất 7,9 độ richer khiến 26 người chết và hàng chục người bị thương

Tin cùng chuyên mục