Tuần qua, được sự đồng ý của UBND TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Viện Nghiên cứu phát triển, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức thành công hội thảo khoa học: Làm gì để phương tiện vận tải hành khách công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của người dân? Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có bài ghi nhận bước đầu… Nay tiếp tục thông tin về một nội dung có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với sự phát triển bền vững của TPHCM, báo xin trích giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến của các nhà lãnh đạo và quản lý xung quanh vấn đề này.
Chủ tịch HĐND TPHCM PHẠM PHƯƠNG THẢO: Tác động vào lợi ích sẽ thay đổi thói quen
Sử dụng phương tiện xe buýt góp phần chống kẹt xe, tạo sự an toàn, tiết kiệm năng lượng… Bản thân tôi vẫn thường sử dụng xe buýt hoặc đi bộ 1, 2 lần trong tuần khi không quá bận rộn. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng tại TPHCM chỉ từ 5%-7%, trong khi theo thông tin thì tại Hà Nội, lượng người dân sử dụng phương tiện công cộng cao hơn, gần 15%. Nhiều ý kiến cho rằng, người dân TPHCM thích sử dụng xe máy để di chuyển vì tiện lợi, linh hoạt.
Vậy tại sao tổ chức hoạt động xe buýt theo hướng thuận lợi cho người dân như phương tiện xe gắn máy? Lợi ích phải gắn liền với thói quen. Vì vậy chúng ta cần tác động vào lợi ích để thay đổi thói quen của người dân. Để được như vậy, cần tổ chức, sắp xếp luồng tuyến, kích cỡ xe sao cho thật khoa học, thật hợp lý. Cũng cần phải đầu tư xe mới, kèm theo đó là chất lượng phục vụ cũng phải tốt hơn. Bài toán đầu tư cơ sở hạ tầng cho xe buýt cũng cần phải đặt ra để thực hiện.
Theo quy hoạch, tại TPHCM diện tích đất dành để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động của xe buýt là 51,5ha. Trong khi hiện nay chúng ta chỉ mới được 9,7ha, thiếu bến bãi, thiếu nhà chờ… Tất cả những vấn đề này phải được khắc phục từ phía địa phương, doanh nghiệp và cả người dân. Theo tính toán, trước tình trạng giá nhiên liệu tăng ngân sách hỗ trợ cho hoạt động xe buýt thêm 400 tỷ đồng/năm, nâng tổng số tiền hỗ trợ xe buýt lên 1.200 tỷ/năm. Vì sự an toàn, vì giảm tải cho hạ tầng giao thông thành phố, hạn chế xe cá nhân… việc tăng chi phí cho hoạt động xe buýt có thể chấp nhận được, tuy nhiên công tác quản lý phải thật sự hiệu quả.
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Nhà nước phải nỗ lực nhiều hơn
Do một thời gian dài Nhà nước không quan tâm đúng mức đến việc đi lại của người dân, thiếu quan tâm phát triển vận tải hành khách công cộng nên người dân buộc phải tự tìm phương tiện đi lại cho chính mình. Cho đến thời điểm này, đa phần người dân đã quen và đã cảm thấy rất tiện lợi khi sử dụng xe cá nhân. Bây giờ, nếu yêu cầu người dân bỏ thói quen này Nhà nước mà cụ thể là các ban ngành chức năng phải nỗ lực rất nhiều. Trước hết, các ban ngành chức năng phải chủ động nghiên cứu, xem xét người dân cần gì, muốn gì khi tham gia vận tải hành khách công cộng để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Sự điều chỉnh này phải bao gồm nhiều giải pháp tổng thể từ quy hoạch xây dựng đô thị đến phát triển vận tải; từ thói quen của người dân đến những lợi ích mà người dân có thể có nếu từ bỏ xe cá nhân để đi xe công cộng. Một sự nghiên cứu bài bản như vậy cùng với những lộ trình thực hiện thích hợp mới có thể làm cho vận tải hành khách công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của người dân.
Ông TRẦN QUANG PHƯỢNG, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Nhanh chóng dành đường ưu tiên cho xe buýt
Trước mắt, thông qua số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học và hệ thống thông tin - phản hồi từ khách hàng qua Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, chúng tôi sẽ xác định đối tượng khách hàng mục tiêu (đối tượng cần ưu tiên hiện nay như học sinh - sinh viên, công nhân, người lao động…) để nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước cung ứng dịch vụ theo yêu cầu.
Nhanh chóng đề xuất một số cơ chế chính sách để sớm có điều kiện sử dụng quỹ đất dành cho vận tải hành khách công cộng thành phố, theo quy hoạch tổng thể về giao thông vận tải đến năm 2020, vừa được xác lập thống nhất với các quận-huyện, tạo điều kiện cho việc sắp xếp hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đảm bảo việc đi lại thuận lợi và an toàn của hành khách. Bên cạnh đó, trình thành phố sớm thông qua chính sách đầu tư đổi mới đoàn xe buýt thành phố sắp hết chu kỳ dự án, đang xuống cấp.
Qua kết quả điều tra, khảo sát, một trong những lý do chủ yếu làm cho xe buýt thành phố chưa thực sự thu hút người dân là do tốc độ khai thác của xe buýt còn chậm, người dân phải mất nhiều thời gian cho việc đi lại bằng xe buýt, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của người dân… Do vậy, ngoài các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt nói chung, thì điều quyết định là phải nâng cao tốc độ khai thác và rút ngắn thời gian hành trình của hệ thống xe buýt TPHCM. Muốn làm được điều này trong điều kiện hiện nay, theo tôi phải tập trung vào việc xây dựng các tuyến đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt. Tất nhiên khi thực hiện việc này sẽ phải có các giải pháp khả thi nhằm từng bước hạn chế sự tham gia giao thông của các loại xe cá nhân, để có thêm phần diện tích mặt đường cho hoạt động của xe buýt. Phải làm sao cho tốc độ khai thác của xe buýt phải nhanh hơn xe đạp, xấp xỉ với tốc độ xe gắn máy, thì người dân thành phố mới chọn xe buýt làm phương tiện chính để đi lại.
Để tất cả những chương trình này thành công và hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển bền vững, ngoài những biện pháp quyết liệt, đột phá, đồng bộ… như kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, chính quyền thành phố cần có quyết tâm cao.
Ông NGUYỄN HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM: Quan tâm hơn đến quy hoạch các khu dân cư
Sự thành công của tuyến xe buýt nối trung tâm thành phố với đô thị Phú Mỹ Hưng là một bằng chứng cho thấy, xe buýt không phải là phương tiện giao thông cho… người thu nhập thấp mà là phương tiện giao thông cho mọi đối tượng nếu Nhà nước có chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng hợp lý. Ở góc độ quy hoạch, có thể nhận thấy rằng các phân khu chức năng của đô thị Phú Mỹ Hưng được tổ chức khá tốt. Mạng lưới đường, vỉa hè thuận tiện cho người dân tiếp cận với phương tiện vận tải hành khách công cộng và cũng tiện lợi cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng đưa, đón người dân trong một phạm vi rất hợp lý. Đây là một kinh nghiệm mà ta có thể triển khai rộng rãi khi phát triển các đô thị mới.
Trước mắt, theo tôi thành phố quan tâm hơn nữa trong việc lập và thực hiện quy hoạch ở các đô thị mới theo hướng tiếp cận tốt với vận tải công cộng. Thành phố nên bắt đầu từ những giải pháp nhỏ trong tầm tay song hành với việc triển khai thêm nhiều công việc có tính dài hơi hơn như làm xe điện, BRT, metro…
Ông TRẦN THẾ TUYỂN, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng: Để phương tiện giao thông công cộng trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân đòi hỏi Nhà nước phải thực hiện rất nhiều giải pháp đồng bộ, từ quy hoạch, phát triển giao thông đến tuyên truyền giáo dục người dân… Tuy nhiên, trước mắt để làm được điều này thì phải tạo được một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người tham gia giao thông và cả người quản lý giao thông về phương tiện vận tải công cộng. Trong quản lý, cần có sự đồng bộ từ quy hoạch đô thị cho đến việc sử dụng các phương tiện vận tải… đơn cử như nên tránh tình trạng đường nhỏ nhưng phương tiện giao thông lớn, ảnh hưởng không tốt đến giao thông toàn tuyến đường. Xã hội hóa, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng nhưng vai trò quản lý của Nhà nước vẫn phải được thực thi nghiêm túc nhằm đảm bảo cho người dân được phục vụ tốt nhất trong khả năng có thể. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải vào cuộc để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như góp ý cho hoạt động này tốt hơn. Nhà nước trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng nhưng hành khách đi xe phải được đối xử như khách hàng - thượng đế của xe buýt chứ không phải như người đi xin trợ cấp, tương tự nhiều trường hợp đã xảy ra trước đây. Ngược lại, để các đơn vị vận tải có điều kiện hoạt động tốt, Nhà nước cũng phải tạo điều kiện cho họ có thu nhập đầy đủ, đúng theo công sức cống hiến. |
NHÓM PV ghi