Đồng hành với học sinh thi tuyển lớp 10

Năm học 2022-2023, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập có nhiều thay đổi so với các năm trước. Ngoài việc chuẩn bị cho quá trình ôn tập, học sinh phải bổ sung kiến thức sau hơn một học kỳ học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực tế này đòi hỏi vai trò hỗ trợ rất lớn của giáo viên chủ nhiệm.
Đồng hành với học sinh thi tuyển lớp 10

Tập trung công tác tư vấn 

Sáng 19-4, tại lớp 9A8, Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TPHCM), cô chủ nhiệm Ngô Thị Nhâm đã có buổi chia sẻ, tư vấn cho học sinh đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10.

Em Lê Ngọc Thanh Tâm, học sinh lớp 9A8, cho biết, năm ngoái, TPHCM không tổ chức thi tuyển lớp 10 mà chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học tập năm lớp 9 nên cách tính điểm chuẩn vào lớp 10 khác so với những năm học trước. Năm nay, với việc khôi phục lại kỳ thi tuyển sinh và chia đều hệ số cho cả 3 môn thi (trước đây, 2 môn Ngữ văn và Toán hệ số 2, Ngoại ngữ hệ số 1; nhưng năm học này, 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ đều tính hệ số 1), Thanh Tâm cho biết, em đã chủ động tìm hiểu điểm chuẩn tuyển sinh của các trường THPT trong 3 năm trở lại đây, đồng thời chia đều thời gian ôn tập cho cả 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. 

Giải thích rõ hơn, cô Ngô Thị Nhâm, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Hoàng Hoa Thám, phân tích, nếu điểm chuẩn tuyển sinh của một trường THPT năm học 2020-2021 là 35 điểm (tổng hệ số là 5) sẽ tương đương điểm chuẩn tuyển sinh năm nay là 21 điểm (3 môn đều tính hệ số 1).

Giáo viên này đề xuất, học sinh nên chọn nguyện vọng 1 ngang bằng khả năng học tập; nguyện vọng 2 thấp hơn nguyện vọng 1 từ 2-3 điểm; nguyện vọng 3 thấp hơn nguyện vọng 2 từ 2-3 điểm. Hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng muốn con chọn nguyện vọng 1 vào các trường THPT có điểm chuẩn ở nhóm đầu thành phố theo mong muốn của phụ huynh.

Đối với những trường hợp này, giáo viên chủ nhiệm sẽ tư vấn học sinh không nên chọn trường quá khả năng học tập của bản thân, thay vào đó cần chọn trường vừa sức và thuận tiện việc đi lại. Riêng những trường hợp học sinh trung bình và yếu, công tác tư vấn sẽ kỹ càng hơn, giúp phụ huynh hiểu được năng lực học tập thực tế của học sinh, từ đó định hướng cho các em rẽ hướng học nghề phù hợp. 

Theo cô Nguyễn Lan Anh, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TPHCM), năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều học sinh sau thời gian nghỉ học ở nhà quá lâu, khi trở lại trường học có biểu hiện giảm khả năng tập trung và ghi nhớ. Do đó, giáo viên chủ nhiệm phải nắm rõ năng lực học tập của từng em, kết hợp nhiều hình thức động viên, bổ sung kiến thức, giúp học sinh có chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Lưu ý đổi mới trong tuyển sinh 

Theo thầy Tôn Thất Nhân Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TPHCM), một trong những điểm mới của tuyển sinh lớp 10 năm nay là ứng dụng bản đồ GIS khi học sinh đăng ký nguyện vọng tuyển sinh trực tuyến. Cụ thể, phần mềm đăng ký sẽ hiển thị khoảng cách từ nhà đến trường THPT học sinh đăng ký, qua đó giúp các em đánh giá lại mức độ phù hợp của việc đến trường.

Dự kiến, từ ngày 25 đến 27-4, Trường THCS Hoàng Hoa Thám sẽ tổ chức họp toàn thể phụ huynh học sinh lớp 9 để sinh hoạt quy chế thi, hướng dẫn phụ huynh chọn nguyện vọng phù hợp cho con. Sau đó, ở từng lớp học, giáo viên chủ nhiệm trao đổi cụ thể với từng phụ huynh. Những trường hợp học sinh chọn nguyện vọng vào các trường THPT cách quá xa nơi cư trú (trên 10km) sẽ có biên bản làm việc để đảm bảo điều kiện đi học thực tế sau khi các em trúng tuyển. 

Đồng hành với học sinh thi tuyển lớp 10 ảnh 1 Giáo viên Trường THCS Hoàng Hoa Thám tư vấn cho học sinh lớp 9 chọn nguyện vọng vào sáng 19-4

Ở góc độ khác, thầy Huỳnh Ngọc Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TPHCM), cho biết, năm nay kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tổ chức muộn hơn các năm trước. Từ mốc thời gian hoàn tất chương trình ở các môn học (ngày 15-5) đến ngày thi tuyển sinh lớp 10 (ngày 11 và 12-6), học sinh sẽ có hơn 3 tuần để ôn tập và hệ thống kiến thức, từ đó giảm bớt áp lực cho các em. Về nội dung ôn tập, hiện nay Sở GD-ĐT TPHCM đã có hướng dẫn về cấu trúc ra đề, giới hạn phạm vi kiến thức giúp học sinh ôn tập tập trung và hiệu quả, tránh dàn trải.

Ở môn Ngữ văn, học sinh ôn tập kiến thức trọng tâm, kết hợp rèn kỹ năng làm bài. Trong đó, ở câu hỏi nghị luận xã hội của đề thi tuyển sinh, các em cần tập khả năng quan sát, suy nghĩ nhiều vấn đề đặt ra trong cuộc sống hiện đại như: tình người, ý thức trách nhiệm, lý tưởng sống của tuổi trẻ, sự thích ứng của con người với hoàn cảnh…

Ở môn tiếng Anh, ngữ pháp trọng tâm của chương trình năm lớp 9 rơi vào học kỳ 1, trong khi đó, học kỳ 2 yêu cầu cao hơn về từ vựng. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, đề thi đổi mới theo hướng tăng tính ứng dụng thực tế, học sinh phải hiểu và xử lý tình huống nên cần kết hợp hài hòa giữa ngữ pháp và từ vựng.

Đối với môn Toán, đề thi có 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 30% câu hỏi ở mức độ vận dụng. Trong đó, câu 1 và 2 là kiến thức về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình. Từ câu 3 đến câu 7 yêu cầu vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan thực tế. Câu 8 là bài toán hình học phẳng, gồm nhiều câu hỏi nhỏ ở cả hai mức độ nhận biết và nâng cao.

Tin cùng chuyên mục