Động lực thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang yếu dần

Các chuyên gia nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do động lực từ bên trong và bên ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang yếu dần.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, có tựa đề “Trước ngưỡng cửa nền kinh tế số” được công bố sáng nay 29-5. Các tác giả Báo cáo nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do động lực từ bên trong và bên ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang yếu dần.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực của khu vực sản xuất nói riêng và nền kinh tế nói chung đã được đề cập nhiều lần, năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng lao động kéo dài suốt từ năm 2015 đến nay.

Khu vực FDI vốn tạo ra nhiều việc làm cùng với mức tăng trưởng lao động nhanh cũng chỉ đạt 3,3% tăng trưởng. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR thẳng thắn bình luận tại sự kiện công bố Báo cáo.

Động lực thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang yếu dần ảnh 1 TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR phát biểu tại sự kiện 
Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng bày tỏ lo lắng về việc mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là rất khó khăn. Lượng lao động của các doanh nghiệp mới thành lập năm 2018 là 1.107.100 người, giảm năm thứ hai liên tiếp ở mức 4,7%.

Phân tích các yếu tố quyết định tăng trưởng, các chuyên gia VEPR nhận định, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hay việc làm ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI với mức lợi ích ít, nhưng rủi ro lớn về môi trường, và bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh với khu vực trong nước. Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân chưa lớn mạnh và còn chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước. Dư địa chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp bởi sức ép lạm phát gia tăng cũng như bởi những cam kết đối với tỷ giá. Và cuối cùng, chính sách tài khóa không tạo nên những thay đổi tích cực trong cơ cấu thu ngân sách, trong khi nợ công cao, thâm hụt ngân sách và khối tài sản nhà nước ngày càng giảm.

Điều này có nghĩa là Việt Nam đang thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài. Trước những vấn đề tồn đọng đó, đầu tiên Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục đặt trọng tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nhằm khắc phục thiếu sót trong nước và tận dụng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như các FTA.

“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để từ đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thay vì sa đà vào việc cố gắng bảo vệ và duy trì khu vực DNNN vốn dĩ không thể hoạt động hiệu quả bằng khu vực tư nhân”, Báo cáo nhấn mạnh.

Động lực thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang yếu dần ảnh 2 Mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào nông nghiệp, sản xuất hàng hóa và lao động giá rẻ không chắc có thể đưa Việt Nam tiến xa trên các chuỗi giá trị toàn cầu và tăng thu nhập quốc gia. Ảnh: MỸ HẠNH
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài. Lãi suất nên được giữ mức ổn định tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn. Thứ ba, ở mức độ dài hạn hơn, Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Nhìn chung, mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào nông nghiệp, sản xuất hàng hóa và lao động giá rẻ không chắc có thể đưa Việt Nam tiến xa trên các chuỗi giá trị toàn cầu và tăng thu nhập quốc gia.

Để đạt được tiến bộ kinh tế, sẽ cần phải chuyển sự tập trung để đẩy mạnh năng suất yếu tố tổng hợp ở tất cả các ngành và thoát khỏi việc là một thị trường dựa trên đầu vào và lao động giá rẻ. Làn sóng kế tiếp của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Internet vạn vật, các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây có tiềm năng tạo bước nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và logistics và giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn. Làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục