Đồng Nai chuẩn bị trên 200 xe đón công nhân

Ngày 13-2, đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay đã có trên 200 xe khách của các công ty vận chuyển hành khách trong và ngoài tỉnh sẵn sàng chờ đón công nhân đưa trở lại làm việc sau thời gian nghỉ tết.

* Kẹt xe nghiêm trọng trên quốc lộ 1A

(SGGP).- Ngày 13-2, đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay đã có trên 200 xe khách của các công ty vận chuyển hành khách trong và ngoài tỉnh sẵn sàng chờ đón công nhân đưa trở lại làm việc sau thời gian nghỉ tết.

Theo Sở GTVT tỉnh, số lượng khách đi bằng hợp đồng về quê ăn Tết khoảng 9.500 người với tổng số gần 250 xe, trong đó có 191 xe với hơn 7.000 ghế ở lại các tỉnh miền Trung, miền Bắc để từ ngày 6 đến 8 Tết đón công nhân vào làm việc. Công ty Pouchen đã ký hợp đồng 22 xe của TPHCM với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng để chở công nhân của công ty về các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc đón tết và sẽ đợi chở công nhân trở lại làm việc theo đúng hợp đồng... Được biết, tổng số hành khách đã có phương tiện về quê trong dịp tết này trên 53.000 người.

Ngày 13-2, tại các bến xe Hà Nội không khí đã bắt đầu sôi động. Mặc dù kỳ nghỉ tết còn dài song nhiều doanh nghiệp, cửa hàng cửa hiệu, dịch vụ đã bắt đầu khai Xuân nên số người lao động trở lại Thủ đô sớm để làm việc đông dần. Tại bến xe phía Nam, xe khách các tỉnh về bến trả khách nhộn nhịp nhất vào khoảng 10 giờ sáng cho đến 16 giờ trong ngày.

Theo phản ánh của hành khách, do đã có nhiều nhà xe hoạt động nên hành khách đi sớm có thể chọn xe và chưa bị chặt chém, nhồi nhét như những ngày cao điểm, giá vé chiều về Hà Nội vẫn giữ mức tăng 60% so với ngày thường. Tuy nhiên, nhiều hành khách đi tuyến Tuyên Quang - Hà Nội, Sơn La - Hà Nội phản ánh, một số nhà xe vẫn tranh thủ bắt bí hành khách lên xe dọc đường và thu vé cao gấp đôi so với ngày thường.

Trong khi hành khách từ các tỉnh về Hà Nội không quá căng thẳng và khá hài lòng với việc hệ thống xe buýt giải tỏa hành khách trong bến tương đối nhanh thì chiều từ Hà Nội đi các tỉnh lân cận lại gây bức xúc cho nhiều người bởi việc quản lý xe xuất bến khá lỏng lẻo. Một số hành khách cho biết, tại bến xe phía Nam, bến xe Mỹ Đình, rất nhiều xe nằm trong bến quá lâu so với quy định để chờ lấy thêm khách mà không chịu xuất bến. Thậm chí, nhiều xe khách dán biển chỉ dẫn lịch trình trên xe không đúng với lịch trình trong thực tế khiến nhiều người phải xuống xe giữa chừng để đổi chuyến xe khác.

Khoảng 11 giờ ngày 13-2, trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Hàng ngàn phương tiện xếp hàng đoạn gần chân cầu Mỹ Thuận kéo dài tới chân cầu An Hữu. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Tiền Giang tích cực điều tiết giao thông nhưng do mật độ xe cộ dày đặc nên các phương tiện xếp hàng 40 phút mới di chuyển được một đoạn chừng 500m.

Ở chiều ngược lại (hướng từ Trung Lương về Mỹ Thuận) hàng ngàn phương tiện giao thông cũng nối đuôi nhau ùn tắc từ chân cầu An Hữu đến chân cầu Bà Lâm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng kẹt xe do cầu An Hữu hẹp, không đáp ứng được lượng xe quá nhiều lưu thông qua cầu, gây ra tình trạng “thắt cổ chai” ngay chân cầu An Hữu. Trước đó, các ngành chức năng đã thông báo hướng lưu thông cho các phương tiện đi từ Vĩnh Long đến ngã ba Trung Lương (hoặc ngược lại) theo cách qua phà Đình Khao, theo quốc lộ 57 về Bến Tre để chia tải với đoạn cầu An Hữu, cầu Mỹ Thuận. 

L.HIỀN - B.QUYÊN - TH.TÙNG

Tin cùng chuyên mục