Đồng tâm hiệp lực

TPHCM có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước khi chiếm khoảng 23-24% tổng GDP cả nước; thu ngân sách chiếm hơn 24% tổng thu ngân sách cả nước. 

Chính vì vậy, sự phục hồi, bứt phá và phát triển của thành phố không chỉ là ý chí, quyết tâm của lãnh đạo TPHCM mà còn là mong muốn, nguyện vọng của người dân thành phố nói riêng, cả nước nói chung.

Ý chí và nguyện vọng ấy được TPHCM cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là ưu tiên hàng đầu việc “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả Covid-19”, vì đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các nhiệm vụ khác. Thứ hai là “nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị”, mà thực chất là phát huy năng lực, trách nhiệm và tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm cũng như kiên quyết loại bỏ những người thụ động, để đội ngũ cán bộ công chức yên tâm nỗ lực cống hiến. Thứ ba, “cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” là nhiệm vụ then chốt. Đồng hành với doanh nghiệp, mà trước hết là làm tốt chức năng “kiến tạo”, tức tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động chứ không đơn thuần chỉ làm công tác quản lý, theo dõi. Đặc biệt, sự đồng hành ấy phải từ các việc làm cụ thể, nhất là mỗi cán bộ, công chức phải thật sự lắng nghe, thấu cảm để kịp thời tháo gỡ hoặc kiến nghị, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Thực tế, điều mà mỗi doanh nghiệp và người dân mong chờ nhất ở chính quyền đó chính là cải cách hành chính sao cho đơn giản, gọn lẹ, đừng “trên trải thảm, dưới rải đinh”. Thời gian chính là tiền bạc, là cơ hội. Nghĩa là, rút ngắn thời gian khi giải quyết thủ tục hành chính chính là trao tiền bạc và cơ hội cho người dân và doanh nghiệp, là tiếp thêm nội lực để doanh nghiệp và người dân ra sức đồng hành, cùng với thành phố phát triển.

Đưa tăng trưởng từ mức âm 6,78% (năm 2021) lên dương 6-6,5% (năm 2022) thể hiện quyết tâm rất lớn nhằm đáp ứng khát khao hồi phục và phát triển TPHCM. Tuy thế, kết quả của việc hiện thực hóa mong muốn, khát khao ấy không chỉ có ý chí, quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo mà còn phụ thuộc vào những biện pháp đúng đắn, vào năng lực triển khai, đặc biệt là sự đồng tâm, dốc lòng đưa thành phố vượt qua các khó khăn, tăng tốc phát triển.

Còn nhớ 77 năm trước - năm 1945 - đồng bào ta đã trải qua nạn đói kinh hoàng làm 2 triệu người chết. “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong bức thư gửi đồng bào cả nước. Với tấm lòng yêu thương, Bác Hồ kêu gọi: “Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Lời kêu gọi của Bác Hồ đã nhanh chóng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Trước khi đong gạo bỏ vào nồi nấu cơm, mỗi gia đình lấy ra một nắm bỏ vào hũ, vào vại, “tích tiểu thành đại” rồi mang biếu tặng người nghèo đói. Lương thực từ những “Hũ gạo tình thương”, “Hũ gạo kháng chiến”… không chỉ được đem cứu giúp người nghèo mà còn để góp phần nuôi quân đánh giặc. 

Nếu như sự đồng lòng chia sớt chung lo “Hũ gạo tình thương” đã giúp quân dân vượt qua thời tao loạn đói kém, giờ đây, TPHCM rất mong mỏi sự đồng lòng chung sức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, người dân, doanh nghiệp… cùng thi đua vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Phong trào thi đua yêu nước năm 2022 đã được TPHCM phát động, tập trung mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. 

Sau những tháng ngày cam go, khốc liệt trong đại dịch, TPHCM đã xác định quyết tâm phải nỗ lực bằng 200% để lấy lại đà tăng trưởng như trước khi có dịch. Và, trong hành trình vượt qua thách thức, khó khăn để tăng tốc, bứt phá rất cần có sự đồng tâm hiệp lực, ý chí vươn lên, tinh thần đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn vì sự phục hồi, phát triển bứt phá của TPHCM.

Tin cùng chuyên mục