
(SGGPO).- Thảo luận về Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) chiều 25-8, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách yêu cầu về tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật hình sự. Hai nhóm vấn đề được nhiều ĐBQH đề cập là hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân và bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh.
Đồng tình quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, dự thảo Bộ luật Hình sự đưa ra lấy ý kiến nhân dân được chỉnh lý theo 2 phương án. Phương án 1: Bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào dự thảo. Theo đó, pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ các pháp nhân công quyền (bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ); sửa đổi khái niệm tội phạm; quy định cụ thể các tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và các chương, điều quy định khác liên quan đến pháp nhân phạm tội. Phương án 2: không quy định vấn đề này.
Đa số ý kiến tại phiên họp tán thành việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu: “Trong lĩnh vực môi trường, các hành vi vi pham pháp luật để lại hậu quả rất lớn đối với một cộng đồng dân cư rộng lớn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người dân. Rất cần có quy định này”. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng, quy định này sẽ có tác dụng tốt, hạn chế được nhiều hành vi sai phạm nghiêm trọng của pháp nhân trong các lĩnh vực như mua bán người, trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm, bỏ qua các quy định về an toàn vệ sinh lao động…

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp
Đồng quan điểm với các đại biểu trên, song ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu làm rõ cách thức xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân để đảm bảo tính khả thi của pháp luật về vấn đề này.
Theo thống kê của Chính phủ, hiện có 116 quốc gia (trong đó có 6 nước trong khối ASEAN) có quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân. Các công ước có liên quan đến xử lý pháp nhân gồm: Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; các Công ước về chống khủng bố mà Việt Nam đã tham gia…
Bỏ khung hình phạt tử hình: cân nhắc kỹ
Tại phiên họp có khá nhiều ý kiến về vấn đề bỏ khung hình phạt tử hình đối với 7 tội danh đã nêu trong dự thảo; trong đó có những ý kiến trái chiều. Trong khi đa số thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo Bộ luật hình sự (dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân cũng được chỉnh lý, thể hiện theo phương án này), thì vẫn có nhiều ý kiến còn tỏ rõ sự phân vân.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền thẳng thắn: “Để thể hiện tính nhân đạo, nên phân loại rõ hơn trong từng loại tội, nhưng bỏ hẳn án tử hình đối với một số tội danh thì phải cân nhắc kỹ. Người 70 tuổi mà trùm ma túy, có tử hình không? Phải tử hình chứ, nếu không nhân dân sẽ rất bất bình”!
Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Độ (An Giang), nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao lại có góc nhìn khác. "Cá nhân tôi cho rằng, thậm chí có thể bỏ khung hình phạt tử hình đối với nhiều trường hợp nữa. Là người làm trong ngành và đã nghiên cứu hơn chục năm nay về tội tử hình, tôi nhận thấy không phải nhiều án tử hình thì giảm được tội phạm. Đôi khi hình phạt khắc nghiệt quá lại gián tiếp làm nảy sinh tư tưởng sống gấp bằng con đường phạm tội, cho rằng đằng nào cũng là phải chịu tội tử hình rồi”. Với lập luận này, ĐB Trần Văn Độ nhìn nhận, nên coi trọng việc thu hồi tài sản hơn là xử tử tội phạm tham ô, tham nhũng. “Đừng nghĩ quá nặng nề và cứng nhắc rằng việc khắc phục hậu quả là dùng tiền để mua mạng sống. Ngược lại, dự thảo nên quy định rằng tịch thu tài sản là biện pháp bắt buộc cho đến khi khắc phục xong hậu quả mà không phải chứng minh tài sản cụ thể nào đó do phạm tội mà có thì mới tịch thu”.
Không đồng ý với loại hình phạt “chung thân không giảm án” (thay vì tử hình), ĐB Trần Văn Độ nhận xét: “Đây là việc làm tốn kém mà không đạt được mục đích gì, vì kẻ phạm tội không còn cơ hội cải tạo, hoàn lương”.
Chia sẻ quan điểm với ĐB Trần Văn Độ, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) ủng hộ việc bỏ khung hình phạt tử hình thể hiện tại dự thảo. ĐB Trần Du Lịch cũng cho rằng cần rà soát kỹ các loại tội danh để hạn chế việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Liên quan đến quy định chuyển phạt tiền thành phạt tù, ĐB “hiến kế”: “Nên quy định người có khả năng mà không chịu chấp hành hình phạt tiền thì thanh lý tài sản; vẫn chưa đủ thì cho ghi nợ, cứ khi có thu nhập thì trừ”.
ANH PHƯƠNG