1.000m² “đất vàng” cho thuê 7,58 triệu đồng/tháng
Trong vòng hơn 3 năm qua, Khánh Hòa đón hàng loạt dự án đầu tư theo kiểu BT (xây dựng - chuyển giao). Có điều, những dự án tại địa phương đang khiến dư luận hoài nghi tính minh bạch qua những quyết định quá ưu ái cho nhà đầu tư. Trong các dự án tại Khánh Hòa, phải kể đến những dự án trọng điểm như dự án Sao Việt, một dự án đã rơi vào tay tư nhân (Báo SGGP đã phản ánh).
Ngày 27-6, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản trả lời báo chí về vấn đề cho thuê đất giá bèo tại dự án này. Theo đó, dự án Trung tâm Điện ảnh và dịch vụ văn hóa Sao Việt (Dự án Sao Việt) ở số 10 Hoàng Hoa Thám (TP Nha Trang) rộng gần 1.000m², trước đây được Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa (ĐAKH - thuộc Sở Văn hóa Thể thao) quản lý, làm rạp phim. Lô đất này nằm ở vị trí 2 mặt tiền ở số 10 Hoàng Hoa Thám và số 22 Trần Văn Ơn. Do nằm ở vị trí đắc địa, nên đây được xem là “đất vàng” tại thành phố du lịch Nha Trang. Để thực hiện dự án, Công ty Sao Việt đã liên doanh với một công ty khác để thực hiện việc “ẵm” trọn dự án và được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) từ tháng 6-2013; cho thuê đất đến năm 2063.
Theo quyết định của tỉnh Khánh Hòa, dự án được trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê 50 năm. Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa xác định giá trị thuê đất là 4,56 tỷ đồng. Giá thuê này đã được giảm 2,28 tỷ đồng vì tỉnh Khánh Hòa cho rằng đây là dự án xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa và miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản. Với số tiền thuê hơn 4,5 tỷ đồng thì mỗi năm, chủ đầu tư chỉ mất khoảng 45 triệu đồng/năm và 3,75 triệu đồng/tháng để thuê 1.000m² ở vị trí “đất vàng” của thành phố Nha Trang.
Giải thích về điều này, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cho rằng, theo bảng giá đất năm 2013, giá trị khu đất tính theo mục đích sử dụng đất được giao tại số 10 Hoàng Hoa Thám được tính là 11,25 triệu đồng (mặt tiền đường Hoàng Hoa Thám) x 1,1 (hệ số) x 30% (tính theo mục đích sử dụng đất) x 974m² (diện tích sử dụng) sẽ có giá là hơn 3,6 tỷ đồng. Giá trị khu đất dưới 20 tỷ đồng nên áp dụng theo Nghị định 46/2014/NĐ-CP, việc Cục Thuế xác định tiền thuế đất phải nộp là đúng theo quy định và theo giá đất quy định tại bảng giá đất. Dù giải thích kiểu gì, thì việc một doanh nghiệp tư nhân bỏ ra 7,58 triệu đồng/tháng mà được thuê 1.000m² “đất vàng” tại Nha Trang để làm khách sạn là điều đáng ngờ.
Dự án BT chưa làm, đã bán đất hoán đổi
Không những các dự án BT tại Khánh Hòa đều không qua đấu giá, mà việc đầu tư xây dựng các công trình BT đa phần được chỉ định thầu hoặc dưới danh nghĩa liên doanh. Như vậy, doanh nghiệp BT được hưởng lợi từ nhiều phía và xem ra họ chẳng khác gì “độc quyền” từ đầu đến cuối một dự án BT. Một khía cạnh khác, hiện nay nhiều dự án BT tại Khánh Hòa được ưu ái quá mức khi nhà đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ BT, chính quyền địa phương dường như “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư bán quỹ đất đã hoán đổi làm dự án, dưới hình thức bán đất nền, căn hộ du lịch (Condotel).
Một trong những dự án được ưu ái nhất tại Khánh Hòa chính là dự án do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn, trụ sở tại Vĩnh Phúc) làm chủ đầu tư trên diện tích “đất kim cương” thuộc dự án đất sân bay Nha Trang (cũ). Tháng 10-2016, tỉnh Khánh Hòa quyết định thu hồi 62,3ha đất tại khu vực sân bay Nha Trang do Trường Sĩ quan Không quân quản lý, sử dụng giao Công ty Phúc Sơn thực hiện dự án Khu Trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang. Tháng 11-2017, tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Phúc Sơn thực hiện 3 dự án BT tại Nha Trang để đổi khu “đất kim cương” trên.
Trong quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định 2139/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa do ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, ký ngày 1-2-2018 nêu rõ: “Nhà đầu tư không được phép chuyển nhượng, kinh doanh khi chưa đủ điều kiện theo quy định Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…”.
Tuy nhiên, hiện tại các dự án BT của Công ty Phúc Sơn vẫn chưa hoàn thành nhưng phần đất hoán đổi làm các dự án BT tại sân bay Nha Trang (cũ) đã bán gần như sạch trơn cách đây hơn một năm. Nhiều người nhìn nhận, việc ban hành Quyết định 2139/QĐ-UBND của tỉnh Khánh Hòa chỉ là “sau khi mọi chuyện đã rồi”.
Vì thực tế hiện nay, hàng ngàn lô đất tại dự án sân bay cũ đã được Công ty Phúc Sơn bán hết dưới danh nghĩa “hợp đồng góp vốn” cho khách hàng, với mức giá dao động 40-100 triệu đồng/m2 (tính thời điểm rao bán), tùy theo vị trí. Thế nhưng, thực tế hợp đồng góp vốn này người mua đã thanh toán đến 90%-95% giá trị lô đất, nên đó được xem là việc góp vốn không đúng với luật hiện hành. Nếu như, trong quá trình triển khai, dự án này vướng thủ tục pháp lý hoặc dự án không tiếp tục triển khai, khách hàng lỡ mua đất tại đây sẽ chịu nhiều rủi ro.