Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong phiên họp sáng 26-8. Đây là dự án luật dự kiến sẽ được thông qua chỉ trong 1 kỳ họp Quốc hội (kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 10 tới).
Mở rộng diện chịu thuế
Theo tờ trình của Chính phủ, một số mặt hàng và dịch vụ được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lần này là ô tô dưới 24 chỗ ngồi vừa chở người vừa chở hàng; mô tô có dung tích xi lanh từ 175 phân khối trở lên; tàu bay và du thuyền (trừ loại sử dụng vào mục đích vận chuyển hành khách, khách du lịch); các chế phẩm từ thuốc lá và các loại máy trò chơi điện tử có thưởng (hiện mới chỉ có 1 loại phải chịu thuế).
Về mức thuế suất, dự án luật quy định theo hướng rượu từ 20 độ trở xuống và rượu thuốc chịu mức 20%; rượu từ 20 độ trở lên là 55%. Đối với mặt hàng bia, dự án luật đề nghị mức thuế suất chung với mặt hàng bia các loại là 50%. Như vậy, thuế suất mới gần như tương đương với mức thuế suất đang áp dụng cho bia lon (75%, cho trừ vỏ lon). Với bia chai, việc áp dụng thuế suất mới có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng (thuế suất cũ 75%, cho trừ vỏ chai, vỏ lon).
Cũng theo dự án luật, ô tô sẽ là một nhóm hàng sẽ có thay đổi lớn về thuế suất thuế TTĐB. Xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi có thuế suất được quy định 50% – 70% (tùy theo dung tích xi lanh với nguyên tắc xi lanh lớn hơn sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn). So với mức hiện hành thì xe từ 6 đến dưới 10 chỗ ngồi sẽ chịu tác động nhiều nhất do cách tính thuế mới. Xe từ 10 đến 16 chỗ ngồi giữ nguyên thuế suất hiện hành là 30%; xe từ 16 đến dưới 24 chỗ giữ nguyên mức hiện hành (15%). Với kinh doanh golf, dự thảo luật đề nghị tăng thuế suất lên 15% so với 10% hiện nay.
Nhìn chung, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, dự thảo lần này được thiết kế trên nguyên tắc bảo đảm ổn định nguồn thu, không gây xáo trộn lớn về mức thuế suất. Trả lời bà Nguyễn Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH về tác động tổng thể của việc thay đổi thuế suất thuế TTĐB đến nguồn thu ngân sách, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay: “Theo tính toán thì việc thay đổi thuế suất cơ bản không ảnh hưởng đến thu ngân sách. Thu từ bia có thể giảm gần 1.500 tỷ đồng (trừ thu từ bia hơi tăng 200 tỷ đồng), nhưng điều tiết từ ô tô 6 - 9 chỗ tăng thu khoảng trên 900 tỷ, cộng một số dịch vụ khác tăng thuế suất thì vẫn đảm bảo nguồn thu”.
Đảm bảo không gây biến động thị trường
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH cơ bản thống nhất với những mặt hàng/dịch vụ đưa thêm vào diện chịu thuế, nhưng chưa đồng tình với mức thuế suất cụ thể của nhiều mặt hàng/dịch vụ. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng còn mang tính đột biến (thuế suất về rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ tăng từ 30% lên 55%, thuế suất đối với ô tô từ 6 đến 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh trên 3.000cc tăng từ 30% lên 70%, gấp hơn 2 lần). “Việc tăng thuế suất là cần thiết, nhằm điều tiết thu nhập, hướng dẫn tiêu dùng song vẫn phải bảo đảm yêu cầu không gây biến động lớn cho thị trường, tránh những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, bản báo cáo nhận định.
Thuế suất đối với ô tô dưới 10 chỗ cũng là vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm. Cho rằng mức thuế suất 50% – 70% đối với ô tô dưới 10 chỗ là cao, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói: “Thuế TTĐB cần được thiết kế để điều tiết thu nhập của người giàu, nhưng đừng hạn chế nhu cầu chính đáng là cải thiện chất lượng sống của những người có thu nhập khá trong xã hội”. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn công nhận: “Do chủ trương hạn chế nhập siêu trong điều kiện hiện nay nên áp thuế suất cao cho mặt hàng này nhưng khi vượt qua giai đoạn khó khăn thì thuế suất có thể thay đổi. Trong điều kiện bình thường thì thuế suất 30% – 45% là vừa phải, tương đương với các nước trong khu vực ASEAN”.
Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm cả vấn đề lãnh sự). UBTVQH hoan nghênh quan điểm của Chính phủ xác định cơ quan đại diện là “đại diện chính thức và duy nhất của Nhà nước” chứ không phải là đại diện của Bộ Ngoại giao như nhận thức từ trước đến nay. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhận định thẳng thắn rằng, dự thảo luật còn nể nang, chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng bộ, ngành nào cũng muốn có đại diện ở nước ngoài, dẫn đến bộ máy tổ chức của cơ quan đại diện bị “phình to”. |
Anh Phương