
Sau khi năn nỉ một đoàn khách MICE lùi thời điểm đi tour hội nghị tại VN lại vài tháng vì thiếu khách sạn (KS), giám đốc một công ty du lịch tại TPHCM đã nhận được email trả lời rất lịch sự, nội dung tạm dịch: “Cảm ơn rất nhiều, nhưng hội nghị của chúng tôi không thể lùi lại, chúng tôi sẽ nhớ đến công ty của quý vị khi có… yêu cầu”.
- TPHCM: khách sạn giá tăng vẫn đắt hàng

Khu trung tâm TPHCM tấp nập du khách quốc tế.
Ảnh: T.Li.
Theo thống kê từ Sở Du lịch TPHCM, năm 2004 khi TPHCM đón 1,5 triệu du khách quốc tế, mức giá bình quân hệ thống KS 3-5 sao tại TPHCM chỉ vào khoảng 818.000đ/đêm.
Năm 2005, khi lượng khách quốc tế đến TPHCM vọt lên 1,8 triệu khách, thì giá phòng bình quân các KS 3-5 sao tại TP cũng vọt lên 912.000đ/đêm. Giá liên tục tăng nhưng kinh doanh KS vẫn lạc quan, công suất sử dụng phòng các KS 3-5 sao ở TPHCM năm 2005 vẫn xấp xỉ 74%.
Còn năm 2006 vừa qua, TPHCM đón 2,35 triệu du khách quốc tế, hệ thống KS 3-5 sao gần như quá tải, công suất phòng nơi thấp khoảng 78%, nơi cao lên đến 100%. Khi phòng trở nên khan hiếm, giá càng tăng, các công ty du lịch không thể đặt được phòng KS 5 sao với mức giá dưới 1,43 triệu đồng/đêm.
Giới kinh doanh du lịch nói vui: “Cũng là làm du lịch nhưng mở công ty lữ hành thì lượm bạc… cắc, còn đầu tư KS 3 năm qua, dù trải qua đại dịch cúm gà, vẫn nhanh chóng lên hàng “đại gia”. Cách đây 1 năm, các KS lớn nhỏ đều chào mời và ưu ái giá đặc biệt cho các công ty tour. Từ mùa kinh doanh cao điểm 2006 đến nay, nhất là sau hội nghị APEC, các công ty lữ hành muốn giữ chỗ phải đặt cọc trước, có KS còn bắt phải trả hết 100% mới giữ phòng cho khách. Quan hệ tour-KS bây giờ diễn ra theo chiều ngược lại: nhà tour phải năn nỉ người bán là các KS, vì tìm được phòng, nhất là khu vực trung tâm TP mùa cuối năm không phải dễ.
Trưởng phòng quản lý KS thuộc Sở Du lịch TPHCM, anh Trương Vĩnh Thọ, lo ngại: “Để giải quyết bài toán thiếu phòng, giải pháp các công ty tour thường làm là điều chỉnh nhu cầu của khách theo kiểu thiếu phòng 5 sao thì năn nỉ khách xuống phòng 4 sao, thiếu 4 sao lại năn nỉ xuống 3 sao… Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tình thế vì làm mất lòng du khách và chỉ áp dụng được đối với khách du lịch bình dân. Khách cao cấp, khách MICE không thể theo cách này, đơn giản là vì họ sẽ bỏ sang một nước khác thay vì chờ chúng ta điều chỉnh.
- Hà Nội: cơ sở hạ tầng không theo kịp…khách
Liên tục mấy ngày qua, chúng tôi thử liên lạc đặt phòng tại hàng chục khách sạn 3-5 sao ở Hà Nội. Câu trả lời gần giống nhau từ các KS là… đợi sau Tết Đinh Hợi. Tình hình cũng căng thẳng như vậy tại các KS 1-2 sao. Không chỉ du khách quốc tế mà ngay cả khách nội địa, nếu đến Hà Nội thời điểm này rất ít sự chọn lựa, có phòng là tốt rồi.
Ngay tại các KS 2 sao, loại KS lâu nay chủ yếu sống bằng khách nội địa, thì bây giờ khách Nga, khách châu Âu, khách Hàn Quốc tràn ngập. Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết, công suất phòng KS 3-5 sao tại Hà Nội dịp cuối năm lên đến 90-95%. Hà Nội thiếu KS đến báo động!
Nhìn lại số liệu thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, những người làm du lịch không khỏi trăn trở. Năm 2000, Hà Nội đón được 2,6 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 500.000 khách quốc tế), đến năm 2006, lượng khách đến Hà Nội đã tăng vọt 6 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế tăng hơn 100%, lên 1,1 triệu lượt khách). Khách đến Hà Nội tăng gấp đôi, nhưng cả năm 2006 Hà Nội chỉ có thêm duy nhất 1 KS 3 sao mới, còn lại là các KS mini. Với 120 KS được xếp hạng sao, trong đó, chỉ có 28 KS 3-5 sao với 4.223 phòng (KS đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế), Hà Nội chỉ có khả năng đón 1-1,2 triệu lượt khách/năm.
Thử nhìn về tương lai, từ nay đến năm 2010, Hà Nội có thể đón khoảng 6 triệu khách du lịch nội địa và 1,8- 2 triệu khách quốc tế. Để đáp ứng phòng lưu trú cho lượng khách này, Hà Nội cần khoảng 23.000 phòng. Như vậy, so với hiện nay, nếu tính cả KS mini, nhà nghỉ…, Hà Nội còn thiếu trên 10.500 phòng.
- Giải bài toán quá tải cách nào?
Tại TPHCM, nếu tính đầy đủ, tổng số phòng lưu trú lên đến 22.000 phòng. Ở Hà Nội, con số này là 12.500 phòng. Lượng phòng lớn như vậy nhưng vẫn quá tải KS quanh năm, trừ mùa mưa. Tại sao vậy? Thật ra, bài toán quá tải KS có yếu tố cục bộ, có nghĩa là du lịch VN đứng trước thực trạng: thiếu phòng hạng sao đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế nhưng lại thừa loại phòng KS mini, nhà nghỉ… Nhiều năm qua, trong khi TP thiếu phòng KS 3-5 sao, thì các doanh nghiệp trong nước rất tích cực đầu tư KS, nhưng “nội lực” chỉ đủ để xây dựng nhóm KS mini, 1 hoặc 2 sao.
Sở Du lịch TPHCM đã đề xuất UBND TPHCM một số biện pháp “chữa cháy” cho tình trạng căng thẳng phòng ốc. Đã đến lúc triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ đầu tư như: có cơ chế cho các nhà đầu tư trong nước vay tiền với lãi suất hỗ trợ để đầu tư nâng cấp KS mini lên KS quốc tế; giảm thuế nhập khẩu các nguyên vật liệu xây dựng và trang trí nội thất KS vì hiện nay mức thuế trên những ngành hàng này rất cao. |
Hai năm gần đây, số nhà đầu tư đổ vào lĩnh vực du lịch chiếm đến hơn 30% tổng các dự án đầu tư. Chỉ riêng năm 2006, nếu tính trên số dự án đã cấp phép tổng vốn đầu tư vào du lịch lên đến 2,2 tỷ USD. Có đến 90% dự án tập trung vào lĩnh vực hạ tầng như xây KS, resort, khu giải trí, dịch vụ thương mại cao cấp.
Chỉ có điều, hầu hết các dự án đã, đang và sắp đầu tư đều nằm ở các tỉnh, tập trung phần lớn ở các vùng biển, vịnh biển. Ít nhà đầu tư tìm đến 2 thành phố lớn Hà Nội, TPHCM. Tất nhiên, lý do chính là khó mà tìm được khu đất nào ở vị trí quanh khu trung tâm. Có đi nữa thì lại bị hạn chế chiều cao, chiều ngang không thể xây những KS 5 sao quy mô số phòng lớn.
Dự án lý tưởng nhất hiện nay đang được ngành du lịch TPHCM kỳ vọng là dự án KS, căn hộ, trung tâm thương mại Kumho Plaza do tập đoàn Kumho (Hàn Quốc) đầu tư. Nhìn vào viễn cảnh này, xem ra trong 3 đến 5 năm tới, với đà tăng trưởng du lịch như hiện nay, TPHCM vẫn thiếu KS.
Nguyên nhân thứ hai làm nản lòng nhà đầu tư, đó là thời gian chờ phê duyệt, cấp phép, đền bù giải tỏa… cho các dự án du lịch quá lâu. Tại Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, thời gian bình quân từ khi khởi động thủ tục đầu tư đến khi khởi công được 1 dự án mất không dưới 2 năm.
Vì vậy, hàng loạt dự án nâng cấp mở rộng các KS trung tâm TPHCM như Rex, Continental, Kim Đô, Grand, Majestic, Trung tâm triển lãm hội chợ quốc tế… tiến độ rất chậm chạp, trong khi lượng khách quốc tế đến TPHCM tăng đều đặn 10% đến 15%/năm.
UBND TP Hà Nội đã đi trước một bước trong việc mời gọi đầu tư KS. Ngoài việc xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội từ nay đến năm 2010, Hà Nội còn lên kế hoạch quy hoạch sẳn một số khu đất để mời gọi nhà đầu tư xây dựng KS cao cấp, như: khu dịch vụ tổng hợp Hồ Bắc Linh Đàm (Q. Hoàng Mai), khu phía Tây đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (huyện Đông Anh), khu đô thị mới Tây Hồ (Q.Tây Hồ)...
Để khuyến khích nhà đầu tư, UBND TP Hà Nội áp dụng các chính sách ưu đãi như: được thuê đất theo cơ chế thẩm định chứ không qua đấu thầu, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật (giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp, thoát nước), ưu đãi về thuế…
Tuy nhiên, phải mất 4-5 năm, mới có thể xây dựng hoàn chỉnh một KS 4-5 sao, vì vậy, dù có khởi động ngay bây giờ, tình trạng quá tải phòng ốc ở Hà Nội, TPHCM vẫn phải kéo dài 4 đến 5 năm nữa. Sự kiện VN gia nhập WTO, và sự kiện du khách quốc tế tấp nập đổ về VN sau hội nghị APEC buộc chúng ta phải tiếc rẻ: du lịch VN lại đánh mất thời cơ!
Nhóm PV