Dự kiến sau 1-7, triển khai chi trả an sinh xã hội trên VNeID

Chiều 26-3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân”.

Các khách mời tham gia tọa đàm
Các khách mời tham gia tọa đàm

Thời gian qua, các bộ, ngành đã phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp số hóa trong thanh toán chi trả chính sách an sinh xã hội cho người dân thông qua ứng dụng VneID. Việc này mang lại những lợi ích hết sức thiết thực, cụ thể, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc đối với người dân, xã hội, đặc biệt là những người được thụ hưởng trực tiếp các chính sách về an sinh xã hội. Những đối tượng được thụ hưởng không phải đi lại nhiều.

Tại tọa đàm, Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư C06, Bộ Công an) cho biết, đơn vị đã cùng Bộ LĐTB-XH làm sạch thông tin cá nhân, hỗ trợ mở tài khoản thanh toán trên VNeID cho người dân. C06 đang nâng cấp ứng dụng VNeID để tích hợp tính năng "an sinh xã hội" trên ứng dụng. Dự kiến trong tháng 4, khi người dân dùng tài khoản định danh mức độ 2 truy cập sẽ nhìn thấy danh mục này.

chi-tra-luong-huu-tninh.jpg
Tới đây, người dân không phải đi lại để nhận lương hưu

Để chi trả được tiền, ứng dụng sẽ tích hợp tài khoản thanh toán cho những người thuộc diện được hỗ trợ. Việc trả tiền qua ứng dụng sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người. Người dân chỉ cần vào ứng dụng sẽ theo dõi được toàn bộ quá trình, kết quả chi trả. “Do tính pháp lý chưa hoàn thiện nên trước mắt việc này sẽ triển khai thí điểm để có đánh giá tổng kết. Bước đầu, việc chi trả chỉ thực hiện bằng tài khoản liên kết trên VNeID, sau đó mục tiêu hướng tới là mỗi người dân sẽ có một tài khoản an sinh xã hội riêng", Thiếu tá Đào Đình Nam cho biết.

Về góc độ pháp lý, hiện nay việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán vẫn đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1-7-2024 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai. Quá trình chi trả liên quan đến rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, tổ chức ngân hàng, do vậy, phải đảm bảo về an ninh, an toàn hệ thống cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Thiếu tá Đào Đình Nam, vai trò then chốt ở đây là Bộ LĐTB-XH cùng với Bộ Công an luôn luôn phải làm sạch, cập nhật dữ liệu về an sinh xã hội, từ đó đồng bộ với tài khoản thanh toán của ngân hàng và tất cả mọi dữ liệu đều được khớp. Quan trọng hơn nữa là Kho bạc Nhà nước cũng sẽ rút ngắn quy trình để kết hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTB-XH trong quá trình chi trả từ Kho bạc Nhà nước đến người dân trên một hệ thống, giải quyết trong thời gian thực.

Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia là đơn vị triển khai hạ tầng thanh toán kết nối giữa ngân hàng và các đơn vị liên quan. VNeID sẽ cho phép người dân đăng ký số tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money dùng để nhận chi trả an sinh xã hội. Đăng ký online xong, khách hàng được xác thực số tài khoản để đảm bảo việc chi trả đúng, đủ. Sau khi ngân hàng nhận được thông tin và thực hiện chi trả, NAPAS sẽ vận hành hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng để chuyển tiền ngay đến tài khoản thanh toán đã được người dân đăng ký.

Theo bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm thông tin, Bộ LĐTB-XH, người được chi trả an sinh xã hội là người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo và các trường hợp yếu thế khác. Bộ phấn đấu đến hết năm 2024, ít nhất 30% số người thuộc diện được chi trả sẽ mở tài khoản thanh toán.

Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết, mục tiêu là đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành trên dữ liệu số, hoàn thành nền tảng kho bạc số và cơ bản toàn bộ giao dịch thu chi ngân sách Nhà nước qua hệ thống theo phương thức điện tử. Sau 2025, Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước để đến năm 2030 xây dựng được kho bạc số.

Tin cùng chuyên mục