Hiện nay, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (Dự luật Thuế TNCN), đang được nhân dân góp ý. Bất cứ loại thuế nào, loại thu nhập chịu thuế, mức thu nhập chịu thuế, thuế suất…, là những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất.
Dự luật Thuế TNCN đưa ra mức thu nhập bắt đầu chịu thuế là 4 triệu đồng hoặc 5 triệu đồng/tháng. Từ tháng 7-2004 đến nay, mức thu nhập bắt đầu chịu thuế là 5 triệu đồng/tháng. Dự kiến, Luật Thuế TNCN áp dụng từ năm 2009. Từ tháng 7-2004 đến đầu năm 2009, kinh tế - xã hội đã phát triển nhiều, mức sống của người dân tăng khá cao nhưng dự Luật Thuế TNCN không tính đến các yếu tố này mà vẫn cố định mức thu nhập bắt đầu chịu thuế 5 triệu đồng/tháng, là không phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, từ năm 2004 đến nay, giá hàng tiêu dùng đã tăng hơn 20% và hiện nay đang có xu hướng tăng nhanh. Lương tối thiểu, từ tháng 10-2004 đến nay, tăng từ 290.000 đồng lên 450.000 đồng (tăng thêm 55,17%; từ tháng 10-2005 lên 350.000 đồng, từ tháng 10-2006 tăng lên 450.000 đồng) và dự kiến đến đầu 2009 là 550.000 đồng – 600.000 đồng. Dự Luật Thuế TNCN, không tính đến sự tăng lên của hai yếu tố cơ bản này, nên không thay đổi mức thu nhập bắt đầu chịu thuế, giữ nguyên mức 5 triệu đồng/tháng. Hai mức thu nhập bắt đầu chịu thuế trong dự Luật Thuế TNCN là chưa hợp lý.
Theo dự luật, sau khi chiết trừ gia cảnh, số thu nhập còn lại phải chịu thuế. Biểu thuế suất lũy tiến từng phần, có 7 mức thuế suất tương ứng với các mức thu nhập. Cụ thể: thu nhập đến 5 triệu đồng/tháng, thuế suất 5%; thu nhập trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng, thuế suất 10%…; thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng, thuế suất 35%. So với mức đang áp dụng, về thuế suất tối thiểu và cao nhất, có thấp hơn (đều thấp hơn 5%) nhưng về mức thu nhập chịu các mức thuế suất, lại chia nhỏ ra thành nhiều mức.
Hạ mức thuế suất thấp nhất và mức thuế suất cao nhất, với mục đích “khoan sức dân” nhưng lại chia nhỏ mức thu nhập chịu các mức thuế suất khác nhau, mục đích “khoan sức dân”, không những không thực hiện được mà còn tăng thêm tính chất tận thu của Thuế TNCN. Ví dụ như một người, không có người phụ thuộc, có thu nhập bình quân trong năm với 13 triệu đồng/tháng; với Pháp lệnh Thuế TNCN hiện đang áp dụng, người này phải nộp thuế TNCN 800.000 đồng/tháng {(13 triệu đồng - 5 triệu đồng) x 10%}; trong khi với dự Luật Thuế TNCN, người này phải nộp thuế TNCN là 1,2 triệu đồng {(5 triệu đồng x 5%) + (5 triệu đồng x 10%) + (3 triệu đồng x 15%)}, nhiều hơn số thuế phải nộp hiện đang áp dụng là 400.000 đồng. Như vậy, dự luật, không những không “khoan sức dân” mà tận thu hơn Pháp lệnh khá nhiều. Nhiều mức thu nhập chịu thuế và nhiều thuế suất, làm cho người dân khó nhớ, khó thực hiện, tạo lãng phí cho xã hội.
Với Thuế Thu nhập doanh nghiệp, nhà nước đang thu 28% tính trên thu nhập chịu thuế. Theo chúng tôi, nâng mức thu nhập bắt đầu chịu thuế lên khoảng 8 triệu đồng/tháng; cách tính thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán và chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, sao cho hợp lý và khả thi; tính đến việc giảm trừ gia cảnh như nói trên; có tối đa 3 mức thu nhập và 3 mức thuế suất tương ứng, trong đó mức thuế suất thấp nhất là 5% và thuế suất cao nhất là 28%, là hướng sửa đổi, bổ sung hợp lý của dự Luật Thuế TNCN và thu thuế TNCN, tạo ra nguồn thu mới, lớn hơn cho ngân sách nhà nước.
Tố Nga