Đưa hài cốt anh hùng Nguyễn Văn Trỗi về Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM

Trưa 15-4, Thành đoàn TPHCM, Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp Quận ủy quận 2 long trọng tổ chức Lễ an táng hài cốt Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM.

Dự lễ an táng có Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung, đại diện tỉnh Quảng Nam (quê hương anh Nguyễn Văn Trỗi), thân nhân gia đình cùng đông đảo đồng đội anh Nguyễn Văn Trỗi và các bạn trẻ TPHCM.
Đưa hài cốt anh hùng Nguyễn Văn Trỗi về Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM ảnh 1 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung, đại diện tỉnh Quảng Nam, thân nhân gia đình cùng đồng đội và các bạn trẻ TPHCM đưa hài cốt Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đến vị trí an táng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phát biểu tưởng niệm tại lễ an táng, Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Hồng Sơn ôn lại: Anh Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1-2-1940 trong một gia đình nghèo tại tỉnh Quảng Nam. 16 tuổi, anh cùng gia đình anh vào Sài Gòn sinh sống. Ở đây, anh học nghề điện, trở thành công nhân nhà máy điện Chợ Quán và tham gia tổ chức Biệt động thành, thuộc Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ngày 2-5-1964, anh xung phong nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Nhiệm vụ bị bại lộ, anh bị bắt lúc 22 giờ ngày 9-5-1964 và bị xử bắn tại sân sau nhà lao Chí Hòa lúc 9 giờ 45 ngày 15-10-1964. Tại pháp trường, anh Nguyễn Văn Trỗi rất bình thản. Giây phút cuối cùng, anh dõng dạc hô: “Hãy nhớ lấy lời tôi/ Đả đảo đế quốc Mỹ/ Đả đảo Nguyễn Khánh/ Hồ Chí Minh muôn năm!/ Hồ Chí Minh muôn năm!/ Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Đưa hài cốt anh hùng Nguyễn Văn Trỗi về Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM ảnh 2 Lễ an táng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh, cuộc đời “người công nhân TP Sài Gòn” cùng tấm gương hy sinh lẫm liệt của anh đã có sức lay động lương tri không những trong nước mà cả toàn thể nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Cách đây 36 năm, ngày 15-10 (ngày anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh) được chọn là Ngày truyền thống thanh niên công nhân TPHCM, như là một sự nhắc nhớ đối với tuổi trẻ TPHCM hôm nay hãy “sống như anh”. Từ năm 2008, Thành đoàn TPHCM có giải thưởng mang tên Nguyễn Văn Trỗi tôn vinh những đoàn viên, thanh niên có sáng kiến, giải pháp được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, hăng hái thi đua lao động, sản xuất.

“Đoàn viên, thanh thiếu niên TPHCM nguyện “sống như anh” và sẽ luôn nỗ lực hết mình, đem tất cả tinh thần, trí tuệ, lòng nhiệt huyết, tài năng và sự sáng tạo của mình để viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước”, Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Hồng Sơn bày tỏ.
Đưa hài cốt anh hùng Nguyễn Văn Trỗi về Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM ảnh 3 Lễ an táng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đưa hài cốt anh hùng Nguyễn Văn Trỗi về Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM ảnh 4 Lãnh đạo TPHCM và gia đình trong lễ an táng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đại diện gia đình, ông Nguyễn Văn Nhung (88 tuổi) chia sẻ, gia đình, gia tộc rất tự hào vì đã sinh ra người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Ông cùng các thế hệ lớn tuổi sẽ tiếp tục giáo dục con cháu trong gia đình, gia tộc phát huy truyền thống quê hương yêu đất nước và phát huy những phẩm chất cao quý của các anh hùng, liệt sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.  

Tin cùng chuyên mục