
* Nhiều nhà giáo trở thành tấm gương sáng trong xã hội
(SGGPO).- Ngày 19-7, tại Đà Lạt, Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 – 2013.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao bằng khen cho các đơn vị xuất sắc trong thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Qua 5 năm triển khai, phong trào đã thu được những kết quả nổi bật ở các nội dung: Trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn và thực hiện “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ đồ dùng học tập); Dạy và học hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh, giúp các em tự tin trong học tập; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh; Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai phong trào vẫn còn một số hạn chế như: cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; hình thức hoạt động tập thể ở một số nơi chưa linh hoạt, chưa phù hợp và chưa có nhiều thời gian cho học sinh ngoại khoá…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Phong trào đã phát huy được tính chủ động, tích cực của các thầy cô giáo, học sinh và sự chủ động của các ngành, địa phương tham gia vào việc củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục; góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, quan niệm và quan hệ thực tế giữa thầy với trò, giữa nhà trường và xã hội. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới cần đưa những nội dung này trở thành động bình thường, đi vào nề nếp của trường học”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng lưu ý thời gian tới thực hiện toàn diện hơn, căn cơ hơn, sâu sắc hơn trong việc chuyển phương thức giáo dục từ chỗ nặng về truyền thụ - tiếp thu, sang phương thức coi trọng tính chủ động của người học; chuyển từ hệ thống giáo dục “đóng” sang giáo dục “mở”, trường học không thu hẹp, cô lập trong phạm vi tường rào mà còn mở rộng ra phạm vi cộng đồng, các lực lượng xã hội tiên tiến cùng tham gia vào hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức cho học sinh.
* Nhiều nhà giáo trở thành tấm gương sáng trong xã hội
Chiều 19-7, tại Đà Lạt, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đến dự.
Sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động đã đạt nhiều kết quả khả quan , tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ nhà giáo về sự cần thiết phải giữ gìn, rèn luyện đạo đức, lối sống và không ngừng học tập, sáng tạo. Nhiều tập thể, cá nhân tiên tiến đã được phát hiện và biểu dương kịp thời, trong đó, có 469 chiến sĩ thi đua toàn quốc, 2.425 chiến sĩ thi đua cấp bộ, 273 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 2.447 Nhà giáo ưu tú.
Đặc biệt, qua cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo hi sinh quyền lợi của bản thân vì lợi ích chung như: hiến đất xây trường; cống hiến tuổi thanh xuân để phục vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tổ chức phụ đạo cho học sinh không thu tiền hoặc lấy tiền lương của mình để giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn… Một số tấm gương nổi bật như: cô giáo Kpă H’Dup (huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã hiến đất, vay tiền để xây dựng lớp học và đón học sinh về dạy. Cô Nguyễn Thị Hương và Trần Thị Lan (Thái Bình) vượt qua sự dị nghị của người dân để giúp các cháu nhiễm HIV được đi học như bao trẻ khác. Cô Lê Thị Hoài (Thái Bình) 13 năm mắc bệnh ung thư, nằm trên giường bệnh vẫn tổ chức dạy học cho các bệnh nhân khác. Thầy Đào Thanh Hương (Thanh Hoá) bị chất độc da cam, thiếu hai bàn chân và một bàn tay nhưng 5 năm liền là giáo viên dạy giỏi…
Tin, ảnh: Nam Viên
Ngày 19-7, Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 5, Phòng GD-ĐT và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 5, TPHCM đã tổ chức hội thảo “Vai trò của giáo viên trong việc giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh trong nhà trường”. Ngoài nêu thực trạng, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp sáng tạo trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, hội thảo còn đề cập đến phương pháp giảng dạy môn giáo dục công dân, đạo đức trong nhà trường đạt hiệu quả cao.
Qua phát động chủ đề nêu trên, ban tổ chức đã nhận được 1.634 ý kiến, tham luận của 25 trường tiểu học và THCS, trong đó có 1.294 ý kiến của học sinh. Tất cả các tham luận của giáo viên đều cho rằng giáo dục đạo đức trong trường học là cần thiết và nên thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo để hấp dẫn người học. Các học sinh cũng có dịp được bộc lộ suy nghĩ, đề đạt nguyện vọng được thầy cô, nhà trường chăm lo, dìu dắt để trở thành con ngoan trò giỏi, có hành vi chuẩn mực về đạo đức…
KHÁNH BÌNH