Đừng để mất cây cầu gần trăm tuổi

TPHCM là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài trong hành trình khám phá Việt Nam. Một trong những điều hấp dẫn ở TP chính là những công trình cổ kính hơn trăm tuổi như Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bến Nhà Rồng), Nhà hát TP, Bưu điện TP, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành… và hàng loạt cây cầu.

TPHCM là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài trong hành trình khám phá Việt Nam. Một trong những điều hấp dẫn ở TP chính là những công trình cổ kính hơn trăm tuổi như Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bến Nhà Rồng), Nhà hát TP, Bưu điện TP, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành… và hàng loạt cây cầu.

Phát triển du lịch đường sông không thể không nhắc đến những cây cầu cổ thời Pháp thuộc, bởi rất nhiều cây cầu đã gắn với vùng đất này từ thuở mới được khai phá. Là một trong những cây cầu cổ xưa nhất còn sót lại ở Sài Gòn, cầu Mống bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4. Cầu mang đậm thiết kế theo kiến trúc phương Tây, do công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư và công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công vào năm 1893 - 1894. Cầu dài 128m, rộng 5,2m, lề bộ hành rộng 0,5m, được xây lắp bằng thép. Thành cầu uốn cong có những khoảng trống, sơn xanh (ban đầu cầu có nước sơn màu đen). Hình dáng vòng cung giống cầu vồng nên người dân gọi tên là cầu Mống. Trong giai đoạn thi công đường Võ Văn Kiệt và đường hầm sông Sài Gòn, cầu được tháo dỡ, sau khi đường hoàn thành, cầu được lắp lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật. Hiện cây cầu hơn 100 tuổi này đã được khôi phục dành cho người đi bộ, nơi chụp ảnh cưới, ngắm cảnh về đêm, đứng xem pháo hoa mỗi dịp lễ, tết của người dân TP. Nằm trên tuyến du lịch đường sông bắt đầu từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, Bến Lò Gốm (quận 6), ngoài cây cầu trên còn có cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường 1… là những cây cầu cổ còn sót lại được du khách tham quan nhiều nhất.

Du lịch đường sông được xác định là một trong những sản phẩm chiến lược trong định hướng phát triển ngành du lịch TPHCM. Với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc dọc hai bờ sông Sài Gòn, cùng những dòng kênh uốn lượn bao quanh khu vực nội đô, TPHCM có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Trong chiến lược phát triển du lịch đường sông từ nay đến năm 2020, TP đặt mục tiêu đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%, doanh thu tăng mỗi năm 30%, đến 2020, phát triển du lịch đường sông thành sản phẩm du lịch chủ lực của TP.

Cầu Nhị Thiên Đường 1 là một trong những cầu cổ nhất Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1925, bắc qua kênh Đôi quận 8 của vùng Chợ Lớn. Cầu không chỉ có bề dày lịch sử, mà còn là cửa ngõ kết nối Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Điểm đặc biệt là hàng cột xanh rêu trên cầu và các mái vòm cong dưới chân cầu, kiến trúc không khác các cầu cổ nổi tiếng ở châu Âu. Ngoài ra, dù được xây trong thời đại hoàng kim của cầu sắt, nhưng cầu Nhị Thiên Đường 1 là ngoại lệ khi được thiết kế hoàn toàn bằng bêtông cốt thép. Trước thông tin cầu Nhị Thiên Đường 1 sẽ đập bỏ xây dựng cầu mới giống hệt cầu Nhị Thiên Đường 2 hiện nay để đồng bộ hạ tầng giao thông, đã có không ít ý kiến tiếc nuối! Vì sao TP không giữ lại và bảo tồn cầu Nhị Thiên Đường 1 để làm điểm tham quan cho du khách, nhằm thu hút khách du lịch đường sông? Vì dọc trên tuyến này có rất ít danh lam thắng cảnh và công trình cổ để khách tham quan ngắm cảnh. Xa hơn, câu chuyện bảo tồn cây cầu cổ gần trăm tuổi này cũng chính là cách thế hệ chúng ta giữ gìn lịch sử và hồn di sản của cha ông xưa…

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục