Những thành công của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo tác động rất mạnh đến bóng đá Việt Nam là điều không cần bàn cãi. Ở đầu mùa trước, chỉ từ hiệu ứng U.23, lượng khán giả đến sân những vòng đấu đầu tiên của V-League đã tăng lên gấp rưỡi so với cùng kỳ trước đó. Chính vì thế, sau chức vô địch AFF Cup 2018 cũng như chiến tích vào tứ kết Asian Cup 2019, giới mộ điệu đang kỳ vọng V-League 2019 sẽ tiếp tục khởi sắc. Hy vọng thì nhiều, nhưng băn khoăn và thậm chí lo ngại cũng chẳng hề ít.
Thành tích của đội tuyển chắc chắn sẽ thúc đẩy một lượng lớn khán giả đến sân, thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông đối với bóng đá nội địa, nhưng nếu nói về phương diện chuyên môn, chất lượng thi đấu, thì lại hoàn toàn tùy thuộc vào quyết tâm và động lực của các CLB. Thậm chí, điều này còn tác động ngược đến số lượng khán giả. Minh chứng như mùa trước, lượng khán giả ở lượt về sa sút rất nhanh khiến cho con số bình quân toàn mùa chỉ nhỉnh hơn một chút so với mùa trước đó, kém xa so với giai đoạn lượt đi.
Tiềm năng của bóng đá Việt Nam ra sao thì ai cũng thấy rõ, qua sự phát triển đáng kinh ngạc của đội tuyển quốc gia. Từ chỗ đang xếp trong nhóm trung bình kém, chỉ trong vòng 1 năm, bóng đá Việt đã lọt vào nhóm hạt giống số 2 của châu Á, tức là thuộc tốp 20 nền bóng đá mạnh nhất châu lục. Có người ví bóng đá Việt Nam như một chàng trai khỏe mạnh vừa được đánh thức sau thời gian ngủ dài.
Nhưng nếu chúng ta đã “tỉnh giấc” ở các cấp độ đội tuyển thì V-League, giải đấu được xem là xương sống của nền bóng đá, dường như vẫn đang trong tình trạng “ngủ gà, ngủ gật”. Có những đội bóng như Hà Nội FC, HA.GL, Bình Dương… tập trung trẻ hóa lực lượng để mưu cơ đồ lâu dài thì vẫn còn đó rất nhiều đội bóng ngay cả việc chơi bóng phục vụ khán giả địa phương nhà mà cũng không quan tâm. Thật khó tưởng tượng một trận bóng chuyên nghiệp nhưng chưa có đến 500 khán giả đến sân dù giá vé chỉ ngang một tô phở ngon.
Theo kế hoạch thì năm 2019 sẽ áp dụng công nghệ VAR cho V-League nhưng các nhà tổ chức phải tạm hoãn vì lý do kỹ thuật. Cũng dễ hiểu: ngay phòng thay đồ, khu vực vệ sinh cho cầu thủ còn tạm bợ ở nhiều sân bóng thì làm sao có thể đầu tư hệ thống ghi hình, quay phim đủ tiêu chuẩn để phục vụ cho việc truyền hình trực tiếp chất lượng cao, nói gì đến việc đáp ứng các yêu cầu cao của VAR.
Nói đơn giản, nếu các CLB không quan tâm đầu tư cho cơ sở vật chất thì làm sao họ nghĩ đến khán giả, đến những đầu tư lớn hơn cho con người, công nghệ và những các hoạt động kiếm tiền từ bóng đá. Công bằng mà nói, bóng đá vẫn là môn thể thao nhận được sự đầu tư lớn nhất tính cả ngân sách địa phương cũng như từ nguồn lực xã hội. Nhưng sau gần 2 thập niên phát triển, V-League vẫn như một cơ thể thiếu sức sống. Thành công của đội tuyển quốc gia, sự xuất hiện của nhà tài trợ mới với thời hạn cam kết dài lâu chỉ mới là điều kiện đủ.
Để V-League thực sự “tỉnh ngủ” thì điều kiện cần đó chính là việc thay đổi tư duy, tầm nhìn của các nhà quản lý. Những mô hình tại Hà Nội FC hay HA.GL cho thấy nếu được đầu tư bài bản, có quan điểm thi đấu cống hiến vì khán giả, có các bộ phận kinh doanh nhạy bén… thì những lợi ích mà bóng đá đem lại cho doanh nghiệp, cho địa phương là rất rõ ràng chứ không chỉ là các khái niệm trừu tượng hay giá trị vô hình như trước đây.
Lấy ví dụ, nếu có thể thu được của một khán giả khoảng 200.000 đồng từ việc bán vé, kinh doanh thức uống thì trong một trận đấu có 10.000 khán giả đến sân cũng sẽ đem về cho CLB gần 2 tỷ đồng. Trừ đi chi phí thì cũng đủ tiền trả lương cho cầu thủ. Những hoạt động tài trợ, quảng cáo, chuyển nhượng sẽ là giá trị thặng dư phục vụ cho công tác đầu tư.
Như vậy, điều quan trọng nhất vẫn là tập trung vào công tác phục vụ khán giả, thu hút người xem, gia tăng lượng CĐV quan tâm đến đội bóng… bằng chính thái độ thi đấu màu cờ, sắc áo địa phương cũng như lối chơi tận tâm, cống hiến. Không dễ để đạt được những thành công mà đội tuyển Việt Nam đã có hiện nay, vì thế cũng đừng bỏ lỡ cơ hội “đánh thức” V-League.