Sổ tay

Đừng đùa giỡn với tử thần

Số liệu báo cáo của Công an TPHCM cho thấy: 6 tháng đầu năm 2007, trên các tuyến đường bộ của TP đã xảy ra 702 vụ tai nạn giao thông, làm chết 582 người, bị thương 450 người, tăng 69 vụ (khoảng 10%) so với cùng kỳ. Tai nạn đường sắt tăng 4 vụ (tỷ lệ đến 200%) làm chết 5 người… Tính chung các loại tai nạn giao thông thì số người chết tăng đến hơn 19% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh các năm gần đây, khi số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM luôn giảm thì những con số trên rõ ràng đã phát tín hiệu S.O.S. Và đương nhiên, TPHCM trở thành 1 trong những địa phương bị đưa vào diện “báo động đỏ” của Ban An toàn giao thông quốc gia.

Trước tình hình hết sức cấp bách đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo lập lại trật tự kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về giao thông để kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Chỉ thị nêu rất rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp; đồng thời đề cập đến nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để lập lại trật tự trên lĩnh vực này.

Nhiều người khẳng định rằng, nếu các ngành, các cấp có liên quan làm thật tốt các giải pháp thì hiệu quả cũng chỉ đạt cao nhất là 50%. Bởi 50% còn lại nằm ở ý thức của người tham gia giao thông. Số liệu thống kê, tuy chưa đầy đủ của ngành giao thông, đã khẳng định có đến 80% tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông. Khi đối diện với một vụ tai nạn, nhìn thấy hậu quả đau lòng từ tai nạn giao thông thì ai cũng sợ. Nhưng trên thực tế, bất kể lúc nào, ở đâu, chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh vi phạm luật giao thông.

Thật khó hiểu khi Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm hầm chui Tân Tạo, cầu đi bộ Văn Thánh, Suối Tiên… nhưng chỉ để ngắm. Người dân bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của mình, sẵn sàng băng ngang qua dải phân cách chỉ vì để nhanh hơn một chút.

Việc đội nón bảo hiểm cũng vậy. 6 tháng vừa qua, có hơn 15.000 trường hợp bị lập biên bản vì không đội nón bảo hiểm. Dường như việc đội nón bảo hiểm nói riêng và chấp hành luật giao thông nói chung, với nhiều người chỉ là để công an khỏi huýt còi chứ không phải để bảo vệ mình. Ai cũng biết mỗi người chỉ có một mạng, vì sao cứ đùa giỡn với tử thần?

Chính vì vậy, chúng tôi rất tâm đắc với chỉ đạo của Thành ủy về việc phải tạo cho được một luồng dư luận xã hội nhằm lên án các hành vi vi phạm, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, để hành vi chấp hành nghiêm luật giao thông trở thành “chuẩn đạo đức” khi phân tích chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và bình xét thi đua, khen thưởng cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên hàng năm.

Trong tuyên truyền, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các phương tiện nghe nhìn cần có thêm nhiều chương trình trực quan sinh động, tạo sự tương tác với người xem để việc chấp hành pháp luật trên lĩnh vực giao thông ngấm sâu hơn nữa vào hành vi ứng xử của mọi người.

Mặt khác, việc xử lý đối với hành vi vi phạm trên lĩnh vực này cũng phải nghiêm khắc hơn nữa. Mức phạt, hình thức phạt hành chính và cả các quy định của Bộ luật Hình sự đối với hành vi vi phạm luật giao thông vẫn còn được xem là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Hương Uyên

Tin cùng chuyên mục