Đừng làm học sinh mất hứng

1. Cháu gái của tôi mới vào nhập học lớp 6 trường M.D. ở một quận trung tâm được vài ngày đã mếu máo kể lại câu chuyện bị cô giáo phạt vô lý. Giờ học toán cô giáo T. ra đề và hỏi ai xung phong lên giải bài toán. Vốn là lớp trưởng và có học lực giỏi ở cấp tiểu học nên cháu tự tin, xung phong lên giải bài toán này. Ngay sau khi cháu quay về chỗ ngồi, cô giáo hỏi bạn nào đồng ý cách giải bài toán này thì giơ tay. Có một số cánh tay giơ lên và một số im lặng. Thấy vậy cô kêu một bạn khác chưa thể trả lời đúng hay sai đứng lên và bạn này tỏ vẻ sợ hãi nên im lặng.

Ngay lúc đó cô quay lại chính cháu tôi - người đã xung phong lên giải bài hỏi một câu khó hiểu: Tại sao bạn này không trả lời? Trong tâm trạng bị bắt lỗi khi bản thân mình tự tin giải bài toán đúng, cháu tôi mất tinh thần, thậm chí là hoảng loạn nên không nói được câu nào. Chẳng những không dành bất cứ một lời nào khuyến khích, động viên học sinh đã có tinh thần xung phong lên giải bài, cô giáo lại còn buông câu ẩn ý là “lại thêm một em thuộc vào nhóm chậm hiểu”. Nói xong cô giáo bắt cháu gái tôi đứng yên tại chỗ chép bài mà không được phép ngồi trong nhiều phút.

Thuật lại câu chuyện buồn đến rơi lệ của con gái học lớp 6, mẹ của cháu gái tôi bức xúc nói: Cháu giải bài đúng, không sai. Vậy mà cô giáo lại có thái độ đối xử với học sinh kỳ cục, thiếu phương pháp sư phạm, thiếu tâm lý đến như vậy. Chẳng hiểu cô muốn gì ở học sinh và liệu cô có hiểu cách ứng xử thiếu thân thiện, phản sư phạm này sẽ làm học sinh mất hứng với giờ học đầu tiên hay không?

2.
Giờ học môn công nghệ đầu tiên của lớp 6 ở một trường công lập ở quận PN cũng khiến học sinh cảm giác hụt hẫng bởi thái độ ra oai, thiếu thân thiện của cô giáo phụ trách bộ môn mới làm quen. Học sinh kể lại rằng cô giáo bước vào tiết học đầu tiên với thái độ không được thiện cảm, thậm chí là lạnh lùng. Cô đi thẳng vào vấn đề và thao thao bất tuyệt giới thiệu môn công nghệ là gì, học sinh sẽ học những nội dung gì…

Gần hết tiết học cô mới hỏi một câu: Các em muốn hỏi gì không? Một cánh tay giơ lên: Thưa cô, cô tên là gì ạ? Không tỏ thái độ gì đặc biệt, cô giáo trả lời lạnh lùng: Các em không cần biết tên tôi. Chỉ cần nhớ những gì tôi dạy và môn học của tôi là được rồi. Tất cả những ánh mắt học trò ở độ tuổi 12 ngây thơ mở to mà không thể hiểu tại sao cô giáo lại trả lời lạnh lùng và khó hiểu như thế (!?).

Bước vào lớp học thầy cô giáo có quyền tối thượng đánh giá, phán xét học trò của mình. Thế nhưng, những hành vi ứng xử thiếu thân thiện, thích ra oai với học trò, thậm chí xử phạt, phán xét trò thiếu sư phạm, thiếu thuyết phục sẽ khiến các em tổn thương hoặc tự đáy lòng sẽ không tôn trọng họ. Ấn tượng của những giờ đầu tiên đến lớp, làm quen với thầy cô sẽ gieo vào lòng các em sự hứng khởi, niềm tin học tập.

Ngược lại nếu bị tước đi niềm tin, sự thân thiện và bị ứng xử thiếu tình, thiếu lý ngay từ phút ban đầu các em sẽ mất hứng học tập, thậm chí là chán nản, học sa sút. Những khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” sẽ chỉ là khẩu hiệu vô cảm nếu mỗi giáo viên không gương mẫu, trau dồi đạo đức làm thầy, tỏa sáng nhân cách từ những việc nhỏ nhất trên bục giảng.

NHƯ HÀ

Tin cùng chuyên mục