
Các cơ quan chức năng vừa có cuộc họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân và biệp pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 1 (bão Chanchu) gây ra. Nhưng theo tôi, cần bình tĩnh để xem nếu lại có bão như cơn bão Chanchu hoặc phức tạp hơn, chúng ta sẽ phải đối phó như thế nào? Chúng ta đều biết rằng nước ta nằm trong khu vực chịu rất nhiều bão, bình quân hàng năm không dưới 10 cơn bão. Vì vậy việc có biện pháp phòng chống hiệu quả, sẽ hạn chế được tổn thất và bảo đảm được sinh mạng của người dân.

Theo tôi được biết, Chính phủ và ngành thủy sản Trung Quốc gần đây đã có cách quản lý và báo động rất hiệu quả. Họ có hệ thống định vị vô tuyến điện với tất cả tàu thuyền ra khơi, họ quy định rất chặt chẽ, nếu ra ngoài vùng lãnh hải của Trung Quốc, các tàu đánh cá phải báo cáo với Trung tâm kiểm soát hàng hải quốc gia. Cách quản lý của họ gần giống như các trạm kiểm soát không lưu hàng không. Ở mỗi tỉnh có trung tâm kiểm soát hàng hải nội bộ. Gần như các tàu đánh cá ở tỉnh nào phải chịu sự kiểm soát của “sở chỉ huy hàng hải” của tỉnh đó. Trên mỗi tàu đều có máy thông tin và máy định vị (kinh tuyến và vĩ tuyến). Khi có báo động về bão, tại sở chỉ huy phát ra tín hiệu và họ chỉ huy như các trạm kiểm soát hàng không, như một sở chỉ huy hải quân, rất cụ thể, họ ra thông báo tàu thuyền đi về hướng nào và ghé vào đâu. Muốn như vậy, từng cụm tàu, thậm chí từng chiếc tàu, sở chỉ huy này biết rất rõ vị trí vì họ có bản đồ hàng hải và có cả một thám sát viễn thông.
Viết đến đây, người viết bài này nhớ đến trận bão tháng 5 năm 1960. Hồi đó chưa có ảnh vệ tinh, chưa có hệ thống thông tin hiện đại. Ngành khí tượng thủy văn chỉ có bản đồ dự báo với những đường đẳng áp để phán đoán xu hướng thời tiết với những chữ C (áp cao), T (áp thấp) và 2 chữ S lồng vào nhau (bão). Trận bão đó không ai biết sự di chuyển lắt léo của nó, chỉ biết nó rất mạnh, trên cấp 12.
Năm đó đang mùa cá, đồng bào ra khơi rất đông. Nghe tin bão, Bác Hồ gọi ông Nguyễn Xiển, Giám đốc Nha khí tượng Việt Nam và Trung tá Nguyễn Văn Tiên, Tham mưu trưởng Cục Không quân, ra lệnh phải báo khẩn cấp, tìm mọi cách gọi dân trở về. Bác Hồ gợi ý cho Trung tá phụ trách hàng không dân dụng hãy vẽ chữ đỏ dưới cánh “bão to – về ngay” và hàng trăm chiếc phao “Bão to - Về đất liền”. Ngay lập tức, những chiếc máy bay Li-2, IL-14 bay ra biển, từ trên độ cao 4.000 – 3.000m, các chiến sĩ của ta thấy hàng trăm thuyền đánh cá, họ hạ thấp độ cao, bay hết khu vực này đến khu vực khác, vừa để cho ngư dân thấy chữ đỏ dưới cánh, vừa ném phao… Thế là dân ta giong buồm (hồi đó chưa có máy) về đất liền an toàn. Tôi nhớ, sau đó bão tàn phá lớn nhưng không có người dân nào thiệt mạng. Không quân được Bác Hồ khen.
Rõ ràng, vấn đề đặt ra cho ngành thủy sản nước ta là cần phải tổ chức lại cách điều hành. Theo tôi, cần phải trang bị tối thiểu cho các tàu đánh cá nước ta loại máy thông tin hiện đại, có thể tự mình định vị. Nhưng quan trọng hơn hết là cần phải tổ chức theo dõi hải trình của các tàu đánh cá khi cơ quan dự báo khí tượng phát hiện cơn bão vừa hình thành. Tại các trung tâm của các sở thủy sản lúc đó phải có trực ban nắm các thuyền đánh cá có đăng ký đang ở đâu, lập tức báo động và điểm danh các tàu. Tại các sở thủy sản cần có bộ bản đồ biển Đông, đánh dấu vị trí tâm bão, đường kính cơn bão, đồng thời đánh dấu vị trí của đoàn tàu đánh cá. Có như vậy mới trực quan chỉ huy việc tránh bão hiệu quả.
Ngoài ra, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, huy động toàn bộ lực lượng phòng và chống bão lúc nào cũng cần thiết, đặc biệt là dự báo thời tiết. Nước ta bờ biển rất dài, không nên để đến lúc gặp tai nạn rồi mới thấy các vị trong ủy ban tìm kiếm cứu nạn xuất hiện với những gương mặt thật là tội nghiệp. Nếu chúng ta làm việc bài bản thì chúng ta cũng có được sự ung dung như các bạn Trung Quốc hay Philippines. Bão mới có con số 1. Rồi đây sẽ còn số 2, số 3… Tàu đánh cá lại phải ra khơi. Phòng bao giờ cũng chủ động và chống có “kỹ thuật” bao giờ cũng đem lại hiệu quả.
LÊ THÀNH CHƠN