
Chúng ta thường nghe những lời kêu ca phàn nàn về lớp trẻ hôm nay không mặn mà với âm nhạc truyền thống (nhạc cổ truyền, dân ca, kháng chiến) và âm nhạc cổ điển bác học.
Các em không thích, không nghe, thậm chí bài bác. Còn một số nhạc sĩ trẻ thì chỉ viết theo một cái dòng nhạc gọi là nhạc hiện đại (pop, rock, hip-hop...).

Nhóm AC&M cùng dàn nhạc giao hưởng-hợp xướng, biểu diễn thu hút nhiều khán giả trẻ. Ảnh: AN DUNG
Con trai tôi tốt nghiệp bộ môn piano ở nhạc viện chính quy vậy mà lúc ở nhà chỉ nghe nhạc nhẹ và những ca khúc do cháu sáng tác đều mang âm hưởng nhạc blue của người Mỹ da màu. Tôi từng bức xúc, băn khoăn, trăn trở tìm nguyên nhân và đổ vấy cho cơ chế kinh tế thị trường, cho đài phát thanh, đài truyền hình quá thiên về cái dòng nhạc hiện đại ấy... nhưng rồi khi bình tâm trở lại tôi thấy thương cho lớp trẻ hôm nay.
Tôi nói thương các em, vì ngày xưa - cái ngày xưa thiếu đói vật chất và phương tiện phục vụ đời sống tinh thần ấy - tôi và đa số các bạn đồng lứa tuy bụng đói nhưng tâm hồn tràn ngập những điều thánh thiện qua văn chương, nghệ thuật và nhất là âm nhạc. Ở cái ngày xưa thiếu đói ấy vậy mà chúng ta yêu chèo “Quan âm - Thị Kính”, yêu tuồng “Phụng Nghi Đình”, yêu cải lương “Dệt gấm”, yêu dân ca Bắc bộ, Nam bộ, yêu cả bài chòi Liên khu V, yêu những khúc ca hùng tráng và đầy sâu lắng của hàng ngàn ca khúc hay, đẹp... 10, 15 tuổi, chúng ta đã hiểu, đã biết những bản nhạc không lời có tiêu đề như “Phiên chợ Ba Tư”, “Những bức tranh trong phòng triển lãm”, “Ánh trăng”... và cảm nhận được cái hay của bản giao hưởng “Định mệnh”, “Giao hưởng bỏ dở”, “Etude Cách mạng”...
Biết, hiểu và cảm nhận, bởi chúng ta được tiếp xúc mỗi ngày qua làn sóng phát thanh, qua sàn diễn những ngày cuối tuần, qua sân khấu ngoài trời diễn miễn phí, phục vụ cho mọi giới đồng bào... và nhất là khi ngồi trong lớp từ tiểu học tới trung học đều được thầy cô giảng giải về cái hay, cái đẹp của các loại hình nghệ thuật ấy, của từng tác phẩm ấy... (Xin được nói thêm: chúng ta ở đây không chỉ nói giới nhạc sĩ già mà là tất cả mọi ngành, mọi giới từ lao động trí óc đến lao động chân tay).
Còn hôm nay, ngoại trừ những người học trong nhạc viện, không ở đâu giáo dục đầy đủ cho giới trẻ về phương cách thưởng thức những món ăn tinh thần đầy bổ dưỡng ấy (!).
Lớp trẻ bây giờ được tự do hơn trong nhiều phương diện, các em được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng trong đời sống tinh thần các em phải chịu nhiều áp lực. Bày ra trước mắt các em biết bao sản phẩm cũ, mới; các em quơ quào mà không hề được chỉ dẫn cho biết đâu là cái hay, đâu là cái không hay. Để mặc cho lựa chọn thì dĩ nhiên các em chọn cái mới lạ bởi bản chất tuổi trẻ là ưa mới lạ. Ta mặc các em nhồi nhét cho tới khi “bội thực”, khi ấy ta mới la lên: “Đừng!” thì đã quá muộn. Dù bây giờ có chạy chữa bằng thuốc tiên thì những độc tố ấy đã phát tán tàn phá cơ thể, để lại di chứng lâu dài.
Ta đừng trách lớp trẻ mà hãy giáo dục âm nhạc lành mạnh cho mọi lứa tuổi bắt đầu từ tuổi mầm non; dắt tay chỉ lối cho những lớp thanh niên đang mất phương hướng. Đừng bày biện quá nhiều trước lớp trẻ những thứ ôi thiu nhập vô từ nước ngoài và cũng cần phải có những quy định, những biện pháp mạnh mẽ, đúng đắn, kịp thời để chọn cái hay, đẹp; loại bỏ những cái vô bổ, độc hại bởi ở nhiều lúc, nhiều nơi những thứ vô bổ này đang tung hoành. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đừng trách giới trẻ mà hãy trách chính chúng ta đã phó mặc cho lớp trẻ buông thả trong lãnh vực âm nhạc.
Tôi nghĩ rằng: đây cũng là một vấn đề mang tầm quan trọng cần được đặt ra trong nhiệm kỳ 5 của Hội Âm nhạc TPHCM.
Nhạc sĩ NGUYỄN THẾ HẢI