Đừng tự mua dây buộc mình

Mỗi thế hệ đều có những áp lực trong hành trình trưởng thành, nhưng bản lĩnh của mỗi người chính là tìm cho mình một định nghĩa thành công phù hợp với bản thân, để chính mình không rơi vào “bẫy” cảm xúc quá mức do mình đặt ra.

Không phải ngẫu nhiên mà sức khỏe tinh thần của người trẻ hiện đại được nhiều chuyên gia tâm lý, y tế cảnh báo và đặt ra các lo ngại. Khi đối mặt với những áp lực vô hình trong cuộc sống, từ khóa “over thinking” (tạm dịch: suy nghĩ quá mức, lo lắng thái quá về vấn đề đang gặp phải) như mẫu số chung của nhiều bạn trẻ, dẫn đến những quá tải về mặt cảm xúc, thậm chí trầm cảm, tự tử.

“Over thinking” trở thành câu chuyện phổ biến, trong những hội nhóm gen Z trên mạng xã hội, mỗi câu chuyện được các tài khoản ẩn danh kể ra đều thu hút vài chục ngàn lượt theo dõi.

Phần lớn là những áp lực công việc, buộc mình phải thành công trong một thời gian nỗ lực ngắn hoặc những quan điểm trái ngược nhau, khoảng cách thế hệ trong gia đình dẫn đến việc không thể chia sẻ cảm xúc cùng người thân… Những câu chuyện không lạ, nhưng đều đáng lo ngại, một số bài viết, tài khoản còn thể hiện ý định “đăng xuất” khỏi hiện tại, để giải thoát những suy nghĩ, cảm xúc quá tải mà bản thân đang chịu đựng.

Đặt mục tiêu phấn đấu là vị trí trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, gần 3 năm chỉ vùi đầu vào công việc và những cạnh tranh từng chút một với đồng nghiệp cũ/mới, Nguyễn Thiên T. (28 tuổi, kỹ sư hóa hữu cơ, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ: “Vị trí trưởng nhóm đòi hỏi thâm niên lẫn kinh nghiệm chuyên môn khi làm việc, và tất nhiên là nhóm trưởng thì lương cũng cao hơn nhiều, vì thế nhiều người trong công ty đều nỗ lực. Mới ra trường và đi làm thì sao có được thâm niên, trong cuộc cạnh tranh đó, tôi phải nỗ lực nhiều hơn, và chính việc đặt mục tiêu như vậy làm mình tự thấy áp lực với chính mình”.

Bên cạnh áp lực buộc mình phải thành công, một trong những áp lực vô hình mà hiện hữu rõ rệt với người trẻ gen Z trong những ngày qua chính là trào lưu “flex” (được hiểu là khoe khoang quá mức về những thứ mình sở hữu) rầm rộ trên mạng xã hội. Điều này, ít nhiều trở thành áp lực vô hình cho người trẻ, khi nhìn đâu cũng thấy sự sang chảnh.

Nằm trong nhóm nhân viên mất việc sau đợt cắt giảm nhân sự ở công ty, những so sánh vô hình khiến Huỳnh Tâm A. (25 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) phải tìm đến bác sĩ tâm lý.

“Mất việc khiến mình buồn, tự mình suy nghĩ quá mức mọi thứ khi thấy bạn bè ai cũng khoe xe xịn, hàng hiệu trên mạng xã hội, nhìn lại thấy mình vô dụng quá, tự suy nghĩ và tự ám ảnh như vậy gần 2 tháng trời khiến tôi mệt mỏi, đau đầu liên tục và phải tìm đến bác sĩ tâm lý để điều trị”, Tâm A. chia sẻ.

Mỗi thế hệ đều có những áp lực trong hành trình trưởng thành, nhưng bản lĩnh của mỗi người chính là tìm cho mình một định nghĩa thành công phù hợp với bản thân, để chính mình không rơi vào “bẫy” cảm xúc quá mức do mình đặt ra.

Tin cùng chuyên mục