(SGGP).- Ngày 21-5, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Trường ĐH Sài Gòn tổ chức hội thảo toàn quốc “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hệ thống tín chỉ”.
Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu “đến 2010 các trường ĐH chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ” khó thực hiện được vì còn quá nhiều khó khăn. Thậm chí, trong số 40 trường ĐH đang áp dụng đào tạo theo tín chỉ, rất ít trường áp dụng đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời còn gặp trở ngại khi triển khai đào tạo theo tín chỉ.
GS Lâm Quang Thiệp, người được xem là “cha đẻ” về đào tạo tín chỉ của giáo dục ĐH Việt Nam, kiến nghị: Với giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay nên áp dụng 2 phương pháp. Thứ nhất, đối với những trường ĐH có thói quen sư phạm tốt (điều kiện đảm bảo chất lượng, phương pháp giảng dạy tốt) nên chuyển ngay sang đào tạo tín chỉ giống Hoa Kỳ. Thứ hai, những trường có phong cách, thói quen sư phạm chưa tích cực không nên vội áp dụng đào tạo theo tín chỉ vì sẽ làm giảm chất lượng đào tạo của các trường.
T.Hùng