Dụng ý của ông Biden ở Afghanistan ​

Sau vòng đàm phán diễn ra tại thủ đô Tehran của Iran, lực lượng Taliban tuyên bố tiếp tục cuộc “thánh chiến” nếu đến tháng 5-2021, các binh sĩ nước ngoài chưa rút khỏi Afghanistan theo thỏa thuận đã ký với Mỹ hồi đầu năm ngoái.
Binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan. Ảnh: Getty Images
Binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan. Ảnh: Getty Images

Tuyên bố được xem là lời cảnh báo về hành động muốn đảo ngược tiến trình rút quân của Mỹ và các đồng minh NATO sau khi chính phủ mới của ông Joe Biden hoạt động.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh bạo lực tiếp tục leo thang trên toàn Afghanistan với các cáo buộc nhằm vào phiến quân Taliban. Thống kê của quân đội Mỹ cho biết, trong quý 4-2020, các vụ tấn công bạo lực do Taliban tiến hành đã làm 810 người thiệt mạng. Tuy nhiên, Taliban liên tục bác bỏ cáo buộc này. Trong khi đó, tiến trình đàm phán nội bộ về hòa giải dân tộc giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban - một phần của thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 2-2020 vẫn bế tắc. 

Với thỏa thuận lịch sử đạt được giữa chính phủ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với Taliban vào năm ngoái, Mỹ cam kết rút quân tại chiến trường Afghanistan nhằm mang lại tiến trình ổn định cho Trung Đông. Điều đáng lo ngại là việc chính quyền được bầu ra một cách dân chủ ở Afghanistan gần như bị đặt ra ngoài khuôn khổ đàm phán và phải chấp nhận sự đã rồi - tức là kết quả do Mỹ và Taliban sắp đặt, khiến Kabul rơi vào thế bị động. Bên cạnh đó, việc Taliban không chịu từ bỏ bạo lực, tiếp tục các hành động tấn công là chỉ dấu cho thấy tiến trình xây dựng niềm tin - cốt lõi nhất của hòa giải nội bộ Afghanistan rất khó có được kết quả thực chất.

Những diễn biến tại Afghanistan cho thấy, kỳ vọng về sự hòa giải và tiến trình dân chủ đang đứng trước nguy cơ vào ngõ cụt. Taliban cũng bộc lộ rõ tham vọng trở lại nắm quyền và quan trọng hơn là áp đặt luật Hồi giáo hà khắc lên toàn bộ chính trường cũng như đời sống xã hội ở Afghanistan. Theo nhận định của tờ Foreign Policy, dù Afghanistan chưa nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của Chính phủ Mỹ trong giai đoạn này, nhưng đây vẫn là một thách thức đối ngoại không nhỏ. Việc chính phủ của ông Joe Biden muốn hoãn lại tiến trình rút quân cũng cho thấy Mỹ đang có sự tính toán giữa hai bên: phía Chính phủ Afghanistan thì hối thúc Mỹ gây sức ép với Taliban và tránh rút thêm binh sĩ. Còn bên Taliban - lực lượng có tham vọng quay lại nắm quyền,  nhiều khả năng chính phủ của ông Joe Biden đang muốn sử dụng hiện diện quân sự làm đòn bẩy để Taliban và Chính phủ Afghanistan sớm đạt thỏa thuận hòa bình.

Tin cùng chuyên mục