
Hiện nay nước ta có khoảng 400.000 lao động làm việc có thời hạn tại hơn 50 nước trên thế giới. Năm 2005 ước tính sẽ có khoảng 70.000 người đi làm việc ở nước ngoài và con số này dự kiến sẽ còn tăng trong vài năm tới.
Để có thể đi lao động nước ngoài, đòi hỏi người lao động phải có một số tiền khá lớn (bao gồm vé máy bay, phí trả cho công ty môi giới xuất khẩu lao động, tiền đặt cọc tránh người lao động phá vỡ hợp đồng…). Trên thực tế rất ít người lao động có đủ khả năng tài chính để trang trải các khoản trên.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài rất cần tiền cho việc đào tạo.
Bên cạnh vay họ hàng, vay “nóng” thì ngân hàng là nơi được nhiều người lao động trông đợi. Nắm bắt được cơ hội, thời gian qua nhiều ngân hàng đã phối hợp với Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động-Thương binh - Xã hội) tổ chức, giới thiệu các dịch vụ chuyển tiền và cho vay tới các doanh nghiệp tổ chức xuất khẩu lao động.
Incombank là một trong những ngân hàng có nhiều đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ tài chính cho những người đi làm việc ở nước ngoài. Theo Phòng khách hàng cá nhân của Incombank, về cơ bản cho vay xuất khẩu lao động là an toàn vì 100% các khoản vay hiện tại đều có tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh.
Người lao động chuyển tiền qua ngân hàng cho người thân và trả nợ tương đối đều đặn, nợ quá hạn không đáng kể. Vì vậy, ngoài ý nghĩa giúp người lao động khó khăn, cho vay xuất khẩu lao động còn tạo được nguồn ngoại tệ lớn và tăng thu từ các dịch vụ chuyển tiền cho ngân hàng.
Tuy vậy, cho vay xuất khẩu lao động cũng gặp một số khó khăn do người lao động bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng hoặc bị trả về nước trước thời hạn… Chính điều này đã làm cho các ngân hàng ngán ngại rủi ro khi cho vay xuất khẩu lao động.
Nhằm chủ động tránh các hạn chế trên, đồng thời giảm rủi ro trong cho vay xuất khẩu lao động, ngoài việc thẩm định kỹ càng trước khi cho vay, hiện nay biện pháp được nhiều ngân hàng áp dụng là lựa chọn và hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp xuất khẩu lao động tin cậy.
Điều này sẽ giúp cho các ngân hàng có được nguồn thông tin đầy đủ, chính thống về các chương trình xuất khẩu lao động, thị trường, từ đó có cơ sở thẩm định trước khi cho vay.
Riêng đối với dịch vụ chuyển tiền cho người đi lao động ở nước ngoài, hiện nay các ngân hàng đã thu hút người gửi tiền bằng nhiều hình thức đa dạng hơn thông qua việc ký kết hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc thân nhân của người lao động.
Việc chuyển tiền qua các ngân hàng ngày càng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn so với các hình thức chuyển tiền qua kênh không chính thức, các ngân hàng như ACB, EAB, Sacombank… thực hiện chuyển tiền tận nhà khi người lao động có nhu cầu. Có ngân hàng còn hỗ trợ người lao động có nhu cầu dùng tiền gửi về đầu tư bất động sản bằng cách cho vay tiền đặt cọc đến 20 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo…
THẾ TƯỜNG