Dưới 300 nhãn hiệu của Việt Nam đăng ký bảo hộ ở nước ngoài

Trong khi có đến 48.000 nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ đã đăng ký bảo hộ ở trong nước thì đến nay, số đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu ở nước ngoài lại chỉ chưa đến 300 nhãn hiệu. 

Thông tin này được nêu ra tại Diễn đàn quốc tế về thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 với chủ đề: “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” do Bộ Công thương tổ chức sáng 20-4 tại Hà Nội.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia, diễn ra từ nay đến ngày 24-4.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, năm 2018, mới có 14 doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong tốp 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam, thì sau 5 năm con số này tăng lên 21 doanh nghiệp. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu là “chìa khóa” để gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên liên quan thương hiệu sản phẩm, theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), mặc dù đến nay đã có 48.000 nhãn hiệu đăng ký trong nước, nhưng số lượng nhãn hiệu đăng ký ở nước ngoài lại chưa đến 300 nhãn hiệu. Điều này cho thấy, khả năng lan tỏa hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam ở môi trường kinh doanh quốc tế còn rất hạn chế.

Các đại biểu dự Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023

Các đại biểu dự Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023

Phó cục trưởng Trần Lê Hồng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với hoạt động phát triển thương hiệu, chú trọng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp mình ở nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục