Mở rộng, nâng cấp đường là việc cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông và phát triển đô thị. Tuy nhiên, tại TPHCM có tình trạng nhiều tuyến đường sau khi nâng cấp đã cao lên cả mét, biến tầng trệt các ngôi nhà hai bên đường thành hầm.
Ra vào nhà quá khó
Quốc lộ 50 đoạn chạy qua địa bàn xã Phong Phú (Bình Chánh) vừa được nâng cấp. Người dân lưu thông trên đường phấn khởi, bởi không còn cảnh đường đầy ổ gà, lầy lội mỗi lúc trời mưa hoặc triều cường. Thế nhưng, đường đã tốt, người dân vẫn không hết khổ, do đường nâng cao hơn 1m so với trước, nên nền nhà dân bị thấp sâu so với mặt đường. Nhiều căn nhà tầng trệt biến thành tầng hầm. Người dân phải sắm thang sắt, làm bậc thang đi xuống để vào nhà. Do độ chênh giữa nền nhà và mặt đường quá lớn nên việc đưa xe máy ra vào nhà rất khó khăn.
Để nâng nền nhà lên bằng mặt đường, chỉ còn cách đập nhà làm mới, tốn rất nhiều tiền và không phải gia đình nào cũng có tiền để làm được. Từ khi quốc lộ được nâng cấp, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Một số gia đình phải đóng cửa đi nơi khác ở.
Đường Phạm Văn Đồng qua quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức sau khi nâng cấp, cũng khiến người dân phải dùng cầu thang để vào nhà. Tại khu phố 9 phường Hiệp Bình Chánh, có 3 căn nhà 1 trệt 2 lầu, mới xây dựng chưa được bao lâu, nhưng đã lâm vào cảnh thấp hơn mặt đường 1,5m. Chủ nhà đang đau đầu vì chưa biết cải tạo nhà kiểu nào.
Không chỉ xây dựng, nâng cấp các con đường lớn mới khiến nhà hai bên đường bị thấp sâu, nhiều con đường nhỏ trong các khu dân cư cũng được sửa chữa nâng cao để chống ngập, nhưng rồi đường cao hơn nền nhà nên nhà dân bị ngập. Khu dân cư Sông Đà (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được quy hoạch xây nhà phố, biệt thự. Trên trăm căn nhà, với gần 50% diện tích khu dân cư đã được xây dựng. Đây là khu dân cư mới, với nhiều biệt thự, nhà liên kế có kiến trúc đẹp, hiện đại.
Năm 2013, do đường bị ngập nước, chủ đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống đường, làm nền nhà của các biệt thự, nhà liên kế đều thấp hơn mặt đường, không những mất mỹ quan đô thị, làm xấu các ngôi nhà, mà còn gây ngập nước nhà dân mỗi khi trời mưa.
Cần thống nhất cao trình xây dựng
Trước tình hình biến đổi khi hậu, nước biển dâng ngày một cao như hiện nay thì biện pháp khả thi để chống ngập là nâng cao đường. Hàng loạt tuyến đường từ nội thành ra ngoại thành đã được nâng cấp như D1 (Bình Thạnh) quốc lộ 50 (Bình Chánh), Phạm Văn Đồng (Thủ Đức)…
Điều đáng nói, không những các căn nhà đã tồn tại từ lâu, mà ngay cả những nhà mới xây dựng trước thời điểm nâng cấp đường không lâu cũng rơi vào cảnh nhà thấp hơn đường. Nguyên nhân chính dẫn đến hệ lụy này là do thiếu thống nhất trong việc xác định cốt nền khi cấp phép xây dựng, làm đường giao thông.
Theo Quyết định 589/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-5-2008 phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng TPHCM giai đoạn 2005 - 2020 và tầm nhìn 2050, đã xác định cao độ chính của TPHCM lớn hơn 2,05m. Đây là cơ sở để xác định cốt công trình trong lĩnh vực xây dựng. Thế nhưng, thực tế việc cấp giấy phép xây dựng nhà của các quận, huyện quy định cốt nền không căn cứ vào cao trình, cốt xây dựng chung đã được phê duyệt, mà chủ yếu căn cứ theo mặt đường hiện hữu. Phần lớn độ cao hiện hữu hiện nay thấp hơn cao trình chuẩn, khiến nhiều con đường bị ngập khi triều cường.
Chính vì thế, khi nâng cấp đường để chống ngập là nhà dân thấp hơn mặt đường. Có một thực tế, nhiều tuyến đường đã có dự án phê duyệt, chờ thực hiện, nhưng khi cấp phép xây dựng nhà, địa phương vẫn căn cứ theo mặt đường hiện hữu. Đây là lý do vì sao nhiều nhà mới xây dựng nhưng lại thấp hơn đường.
Việc nâng cấp đường hiện nay cũng chưa quan tâm tuân thủ cốt công trình đã phê duyệt. Độ cao khi nâng cấp đường tùy thuộc vào quy mô và kinh phí dành cho dự án. Đối với những công trình ở cấp quốc gia, có kinh phí lớn như đường cao tốc đi Long Thành, quốc lộ 50… được tôn cao mặt đường theo quy chuẩn. Những con đường liên quận, phường thì quy mô, độ cao mặt đường lại tùy thuộc vào kinh phí đầu tư. Việc nâng cấp đường theo kiểu nước đến đâu nâng đến đó. Vì thế, sau vài năm nâng cấp, đường lại bị ngập, buộc phải nâng cấp và nhà lại càng bị tụt thấp so với đường.
Nhiều tuyến đường trong các khu dân cư mới đã không được kiểm soát tốt khi san lấp, nên không đạt cao trình theo quy định. Chủ đầu tư thường tiết kiệm, san lấp mặt bằng, làm đường thấp hơn cốt xây dựng chung. Còn nhà quản lý lại cấp giấy phép xây dựng dựa trên cốt thực tế. Vì thế, sau một thời gian đưa vào sử dụng, đường lại ngập, phải nâng đường và nhà dân bị thấp. Cuộc rượt đuổi giữa đường và nhà dân vẫn tiếp tục tái diễn, chưa có hồi kết.
Để hạn chế bất cập này và giảm bớt khó khăn cho người dân, các quận huyện cũng như sở ngành liên quan phải áp dụng thống nhất cốt cao trình chuẩn mà Thủ tướng đã phê duyệt. Mỗi khi cơ quan cấp giấy phép xây dựng nhà ở, công trình giao thông dựa trên cao trình chung, sẽ dần tiến đến xóa bỏ tình trạng công trình sau cao hơn công trình trước, tình trạng “rượt đuổi” giữa nhà và đường sẽ chấm dứt.
TRẦN YÊN