Hiện TPHCM có 37.442 người đã chấp hành xong án phạt tù, được trở về hội nhập với cộng đồng xã hội. Trong số đó có những người đã tìm được việc làm, ổn định được cuộc sống, thực sự trở thành người lương thiện. Nhưng cũng có nhiều người, sau niềm vui ngắn ngủi được làm người tự do, họ tiếp tục phải đối mặt với bài toán cơm áo gạo tiền, chống chọi với những cạm bẫy, cám dỗ của cuộc sống. Và không ít người đã “ngựa quen đường cũ”, trở về con đường phạm tội với tính chất hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, nguy hiểm hơn. Làm thế nào để thay đổi điều đó?
Hạnh phúc khi làm người lương thiện
Cách đây 8 năm, ngày vợ chồng anh Trần Ngọc Minh (47 tuổi, ngụ quận 8) đứng trước vành móng ngựa vì mua bán chất ma túy, hai đứa con (lúc đó con gái 20 tuổi, con trai 13 tuổi) khóc lạc giọng. Anh oán trách mình đã lầm đường lạc lối để phải chịu bản án 3 năm tù giam và day dứt với 2 đứa nhỏ: làm sao hai chị em có thể nuôi được nhau, có thể đứng vững được trước sự lôi kéo dụ dỗ hay lại bước vào “vết xe đổ” của ba mẹ? Đau khổ, dằn vặt bao nhiêu anh càng hiểu tự do quý giá đến nhường nào.
Năm 2006, anh được ra trại trước thời hạn 31 tháng. Sau đó, anh được nhận vào làm bảo vệ một đơn vị với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Vợ anh cũng đi làm tạp vụ bán thời gian. Bây giờ, cuộc sống gia đình chưa dư dả nhưng với anh chị thực sự là thiên đường vì bản thân đã đi theo đường chính, con cái đều trưởng thành, có công việc ổn định.
Từng có 10 năm làm giáo viên cấp 1, khi thụ án 4 năm (tội danh mua bán trái phép chất ma túy) tại Trại giam Bố Lá, chị Phan Thị Bạch Thủy (54 tuổi, ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) không ngờ mình lại được đứng lớp. Sau bao nhiêu năm nghỉ dạy để tất tả với gánh hàng rong nuôi chồng bệnh tật và 2 con nhỏ, lần trở lại với bục giảng này của chị rất đặc biệt: 200 học trò áo sọc là những phạm nhân đủ mọi lứa tuổi. “Chính những lần đứng lớp đặc biệt đó đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về nhân cách của một con người, nhân cách của một nhà giáo mà tôi đã vô tình chà đạp trong cuộc mưu sinh. Và, tôi nghĩ đến 2 đứa con. Chúng còn quá nhỏ. Làm sao tôi có thể dạy chúng nên người nếu tôi không phải là một con người?” - chị nghẹn ngào kể lại.
Năm 2001, sau 3 năm thụ án (về trước thời hạn 1 năm), chị trở về nhà. Tận mắt chứng kiến những đứa con của các gia đình hàng xóm rên la, cào cấu, văng lên vật xuống, sùi bọt mép… do thiếu “hàng”, chị bàng hoàng nhận ra tác hại của ma túy cũng như càng thấm thía việc làm tội lỗi của mình. Một năm sau khi ra trại, chị được bầu làm tổ trưởng Tổ dân phố 119. Vinh dự bao nhiêu thì thách thức, khó khăn cũng bấy nhiêu đối với một người có tiền án như chị.
Lấy bài học từ chính bản thân, chị dốc lòng cùng địa phương chăm lo đời sống cho người dân, đồng thời tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trong tổ. Nhiều lần, chị “lăn xả” tiếp xúc với các đối tượng có biểu hiện mua bán ma túy để khuyên bảo, động viên họ. Khi tiếp xúc, nhiều đối tượng tìm cách khiêu khích, mua chuộc chị. Nhưng chị đều khéo léo khước từ, tỏ thái độ kiên quyết đoạn tuyệt với ma túy và giúp họ nhận thức rõ sự nguy hiểm, tác hại khôn lường của ma túy đối với con người, gia đình và xã hội. Với nỗ lực không mệt mỏi và đóng góp của mình cho sự bình yên của khu Mã Lạng, chị được UBND TPHCM tặng bằng khen. Đó cũng là sự tin tưởng của xã hội đối với người đã trót lầm lỡ và biết đứng lên như chị.
Bấp bênh kiếm sống, tái phạm nguy hiểm
Bên cạnh những người hoàn lương ổn định được cuộc sống, vẫn còn không ít người phải lận đận tìm kiếm công ăn việc làm, lặn ngụp, bươn chải để sinh tồn. Họ cũng cố gắng xây dựng lại cuộc sống nhưng dường như cơ hội không đến với họ. Họ cứ sống lay lắt giữa dòng đời… Chị Nguyễn Thị Phúc (49 tuổi, ngụ phường Cầu Kho, quận 1) đã từng có 2 tiền án về mua bán trái phép chất ma túy, trở về cộng đồng vào tháng 8-2009. Cuối tháng 9-2009, chị làm đơn đề nghị vay vốn nhưng vẫn không được xác nhận bảo lãnh của Hội LHPN phường.
Chị rân rấn nước mắt, kể: “Muốn vay 5 triệu đồng để làm vốn buôn bán cá nhưng không được, nên thất nghiệp nằm dài ở nhà, bám vào 2 đứa con đi giữ trẻ và bán nước mía thuê với tổng cộng 40.000 đồng/ngày. Số tiền này phải trả lãi 30.000 đồng/ngày cho 3 triệu đồng đi mượn lãi suất cao trước đây, còn lại, 3 mẹ con sinh sống”. Mãi đến đầu năm 2011, chị mới được phường giải quyết cho vay 2 triệu đồng, nhưng theo chị, số tiền quá nhỏ lại giải ngân vào dịp gần Tết Nguyên đán nên không kịp đi buôn bán cá. Số tiền trên lại bị xé nát đổ vào sắm tết cho cả gia đình quanh năm đói ăn thiếu mặc nên bây giờ tiền vốn thì bay mất, nghề nghiệp vẫn chưa gầy dựng được. Gia đình chị rất khó khăn, không có phương tiện sản xuất, bản thân chị, con, cháu đều có bệnh nhưng không được chữa trị kịp thời.
Những người trở về địa phương sinh sống như chị Phúc tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn may mắn vì còn người thân bên cạnh và xã hội còn biết họ ở đâu. Nhưng còn rất nhiều người chấp hành xong án tù lại không trở về địa phương. Theo quy định, người mãn hạn tù phải về trình báo tại địa phương, tuy nhiên vì e ngại, mặc cảm hoặc vì toan tính ẩn mình để “hoạt động” trở lại, nhiều người ra tù là… bặt vô âm tín. Theo một thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TPHCM, có gần 4.500 người (trong tổng số 26.148 người phạm pháp hình sự đã mãn hạn tù) không trở về cư ngụ tại địa phương, trong đó có gần 1.200 người “bỏ đi đâu không rõ”. Chỉ khi công an kiểm tra hành chính hoặc khi đối tượng tái phạm, bắt được thì mọi người mới nhận ra.
Và thực tế đáng buồn, không dừng lại ở nguy cơ, tái phạm đã trở thành “tất yếu” đối với không ít người. Không trình độ, không nghề nghiệp lại bị cộng đồng gán chết tên “thằng tù” khiến nhiều người chấp hành án xong không hòa nhập được với cuộc sống. Để sinh tồn, họ lại rơi vào vết xe đổ.
Thực tế, phạm pháp hình sự trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp trong thời gian qua cũng là do hầu hết số đối tượng trong các băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp có nhiều tiền án, tiền sự hoạt động. Có năm, khoảng 30% số vụ phạm pháp hình sự (với gần 40% số đối tượng phạm pháp hình sự) là do người mãn hạn tù “đóng góp”. Những đối tượng này qua mỗi lần ra tù, hành động lại càng liều lĩnh, nguy hiểm hơn bởi ở trong trại chúng có thời gian “học hỏi kinh nghiệm” lẫn nhau, ra trại, chúng móc nối cấu kết thành băng nhóm gây án. Đơn cử, băng nhóm Hồ Văn Ten (SN 1986, có 2 tiền án, 1 tiền sự) sau khi ra tù đã liên hệ với một số “bạn tù” câu kết thành băng nhóm, chỉ trong 3 tháng đã gây ra 17 vụ dùng nón bảo hiểm tấn công nạn nhân để cướp xe gắn máy trên nhiều quận, huyện của TPHCM.
Đường Loan