Ép chồng kiếm nhiều tiền, lên chức có là bạo lực gia đình?

Hàng xóm, người dân nơi cộng đồng có vai trò rất quan trọng đối với giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình. Luật nên có quy định về phát huy vai trò phòng ngừa bạo lực gia đình của cộng đồng, hạn chế quan niệm coi đó là việc riêng của gia đình người khác.
Đoàn TPHCM thảo luận tại tổ chiều 31-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Đoàn TPHCM thảo luận tại tổ chiều 31-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 

Cho rằng, sửa luật là rất cần thiết vì càng ngày, tình trạng bạo lực gia đình càng trầm trọng, nhưng nhiều ý kiến băn khoăn, luật có nhiều quy định khó khả thi.

ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị bổ sung quyền của của người bị bạo lực gia đình là được lựa chọn nơi ở của họ khi phải tạm lánh. Thực tế, người bị bạo lực thường phải đi khỏi nhà, trong khi họ đã bị tổn thương rất nặng nề.

“Đề nghị người bạo lực phải ra khỏi nhà. Người cần được bố trí tạm lánh là người bạo lực chứ không phải người bị bạo lực”, ĐB Nguyễn Thị Lệ phát biểu.

Ép chồng kiếm nhiều tiền, lên chức có là bạo lực gia đình? ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại tổ thảo luận: Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) cũng đồng tình cho rằng, cần bổ sung quy định người bị bạo lực được lựa chọn nơi tạm lánh, khi họ đã bị tổn thương thì họ cần được lựa chọn chính ngôi nhà quen thuộc của mình là nơi tạm lánh.

Về vấn đề này, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho biết, đoàn TPHCM đã có 2 hội thảo về dự thảo luật này, nhiều ý kiến nêu tại sao người bị bạo lực phải ra khỏi nhà của mình, còn người có hành vi bạo lực lại ở trong ngôi nhà đó, mà trong nhiều trường hợp ngôi nhà đó lại chính người bị bạo lực bỏ tiền mua hoặc thuê.

“Quan điểm là cần bảo vệ người yếu thế. Bên cạnh đó, cần có quy định về cấm người có hành vi bạo lực tiếp xúc, bởi nếu những người bị bạo lực và người bạo lực cùng chung sống một nơi thì người già, trẻ em, phụ nữ sẽ chính là những người dễ bị tổn thương nhất. Đoàn TPHCM có chung kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục có nghiên cứu về vấn đề này”, ĐB Bạch Tuyết nêu ý kiến.

ĐB Nguyễn Đức Hiển (TPHCM) có ý kiến khác khi cho rằng, trong tình huống người bạo lực đang rất nóng giận nên đưa họ đi là khó hơn là đưa người bị bạo lực đi tạm lánh để bảo vệ tức thì người bị bạo lực. “Vấn đề này thì có thể phải nghiên cứu thêm, còn tạm lánh chắc chắn có kết quả tích cực trong tình huống đó”, ĐB Nguyễn Đức Hiển nói.

Ép chồng kiếm nhiều tiền, lên chức có là bạo lực gia đình? ảnh 2 ĐB Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại tổ thảo luận: Ảnh: QUANG PHÚC

Thực tiễn cho thấy, nếu vai trò giám sát của cộng đồng tốt hơn thì các vụ bạo lực sẽ giảm đi. Hàng xóm, người dân nơi cộng đồng có vai trò rất quan trọng đối với giải pháp phòng ngừa bạo lực. Luật nên có quy định về phát huy vai trò phòng ngừa bạo lực gia đình của cộng đồng, hạn chế quan niệm coi đó là việc riêng của gia đình người khác.

Một số ĐBQH cho rằng, có những quy định trong dự thảo luật sẽ khó khả thi. ĐB Trần Kim Yến (TPHCM), thời gian để đưa người có hành vi bạo lực gia đình về trụ sở công an trong 6 giờ là quá lâu, đề nghị chỉ trong vòng 1 giờ, vì tính chất bạo lực gia đình thường rất hung hăng, dễ gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, bạo lực gia đình ngày càng bức xúc, cần có những giải pháp quyết liệt, nhưng khả thi mức độ nào thì cần tính toán. Ví dụ quy định báo tin, tố giác bạo lực gia đình, rất gần với việc tố giác hành vi tội phạm. Bạo lực gia đình dù nhiều vụ việc là gần với tội phạm, nhưng xử lý được với cách nào không hề dễ. Ví dụ quy định giao công an xã xử lý, yêu cầu người có hành vi bạo lực đến trụ sở công an làm việc, nếu không đến thì công an có quyền đưa đến trụ sở công an trong 6 giờ. Điều này giống như áp giải tội phạm, dễ xâm phạm quyền công dân, quyền con người. Hay quy định cấm người có hành vi bạo lực tiếp xúc người bị bạo lực trong 50m cũng không khả thi.

“Các hành vi bạo lực được liệt kê nhiều, rất khác nhau, nhưng biện pháp áp dụng giống nhau nên không khả thi”, ĐB Nguyễn Công Long phát biểu.

Giải thích thêm về nội dung dự thảo luật, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) chia sẻ, xây dựng luật này là điều không đơn giản vì rộng. Ai cũng nói được nhưng thể hiện, thể chế thành công cụ pháp luật thì không hề đơn giản. Ví dụ bạo lực thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản, và khu trú ra bằng các biểu hiện bên ngoài như thế nào để lượng hóa hết cho đầy đủ là không dễ dù đã có nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

“Chẳng hạn, chúng ta nói nhiều về bạo lực tình dục, nhưng đây là vấn đề tế nhị, ít được đề cập đến, nên khó nói được hết những gì cần phải nói”, bộ trưởng giải thích.

Bộ trưởng cũng cho biết, khi thẩm tra dự thảo luật, một số ý kiến của Ủy ban ban Xã hội cũng đặt vấn đề: các bà vợ gây sức ép bắt các ông chồng phải đi làm cho có thật nhiều tiền, phải lên chức nọ chức kia thì có phải hình thức bạo lực gia đình không? Do đó, cần thảo luận thêm để khu trú được đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình trong luật.

Theo Bộ trưởng, với tính chất đó, cơ quan soạn thảo dự luật đã bắt đầu từ Hiến pháp 2013 - đó là quyền con người, tiếp đến là dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề xây dựng gia đình, coi gia đình là tế bào xã hội, là gốc để hình thành nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức để nhận diện, đưa vào dự thảo luật 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình.

Tin cùng chuyên mục