“Tăng cường trừng phạt, trong đó có biện pháp phạt tài chính, đối với các nước khu vực đồng EUR không tuân thủ các quy định về hạn chế nợ quốc gia và giảm mức thâm hụt ngân sách được quy định trong Hiệp ước về ổn định của châu Âu” là một trong những đề xuất được thông qua tại phiên họp đầu tiên của “Nhóm làm việc đặc biệt của các bộ trưởng Tài chính và các chuyên gia kinh tế của Liên minh châu Âu (EU)” đang diễn ra tại Brussels (Bỉ).
Đề xuất này của Đức được coi là một biện pháp nhằm bảo vệ đồng EUR và ngăn ngừa sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trước đó, Đức còn đề nghị thành lập Quỹ Tiền tệ châu Âu để góp phần giúp ngăn ngừa tái diễn những cuộc khủng hoảng xảy ra đối với những nước châu Âu mắc nợ nặng nề, hay sửa đổi Quy chế ổn định và tăng trưởng của khối nhằm đưa ra khả năng trục xuất một thành viên nào đó ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu nếu tái phạm nhiều lần…
Hãng tin Tài chính Bloomberg cho biết, tại cuộc họp này, Nhóm làm việc còn thảo luận và đề xuất một số biện pháp nhằm thay đổi cách thức quản lý tài chính công và cách thức phối hợp các chính sách kinh tế giữa các nước khu vực đồng tiền chung trong bối cảnh các nhà đầu tư đang giảm lòng tin đối với đồng EUR làm cho đồng tiền này bị mất giá tới 6% trong tháng 5 này.
Phiên họp đã đưa ra một số biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quản lý kinh tế trong EU, trong đó có đề xuất phải tìm cách giảm chênh lệch về sức cạnh tranh giữa các nước thành viên và xây dựng một cơ chế quản lý khủng hoảng hiệu quả để có thể xử lý kịp thời những trường hợp khủng hoảng như hiện nay.
Trong một diễn biến khác có liên quan, trước đó, ngày 21-5, cả Thượng viện và Hạ viện Đức đã thông qua dự luật cho phép nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đóng góp vào gói viện trợ khẩn cấp trị giá 750 tỷ EUR để giúp bảo vệ đồng EUR.
Gói cứu trợ này được Bộ trưởng Tài chính các nước EU nhất trí thông qua ngày 10-5, trong đó có sự tham gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, với khoản đóng góp có thể lên đến 250 tỷ EUR. Đạo luật này sẽ cho phép Đức đóng góp đến 148 tỷ EUR vào gói cứu trợ trị giá 750 tỷ EUR vốn cũng được IMF hậu thuẫn.
H.CHI