Trước quyết định của EU mới đây dỡ bỏ cấm vận Cuba, Ngoại trưởng Cuba Felipe Perez Roque ngày 25-6 đã hoan nghênh quyết định này và cho rằng “sự thật” và “lý trí” đã chiến thắng. Ông nói: “Chúng tôi không bao giờ đầu hàng trong cuộc đối đầu này bởi vì chúng tôi luôn nhận thức rằng lý trí sẽ chiến thắng. EU không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dỡ bỏ chính sách cấm vận”.
Trên thực tế, từ năm 2005, EU đã ngừng áp dụng lệnh cấm vận với Cuba với sự vận động không mệt mỏi của Tây Ban Nha, nước vừa bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba năm 2007.
Việc chính thức dỡ bỏ cấm vận của EU đối với Cuba về phương diện nào đó cũng là sự nhìn nhận của EU với chính sách đổi mới do Chủ tịch Raul Castro khởi xướng. Kể từ khi ông Raul Castro nhậm chức chủ tịch nước hồi tháng 2-2008 tới nay, Cuba đã có nhiều thay đổi. Người dân được quyền sử dụng điện thoại di động và các mặt hàng điện tử dân dụng như đầu máy DVD, máy vi tính, sử dụng Internet, được nghỉ đêm tại các khách sạn và mới đây nhất là cải cách chính sách tiền lương theo hướng xóa bỏ chế độ cào bằng. Từ tháng 4-2008, chính phủ Cuba cũng cho phép công nhân có quyền đứng tên nhà ở của mình và được quyền giữ lại nhà bất chấp họ đã nghỉ việc và họ cũng có thể chuyển quyền sử dụng cho các thành viên trong gia đình.
Quan trọng hơn, Chủ tịch Cuba Raul Castro từ lâu đã ủng hộ chính sách chuyển đổi nền kinh tế Cuba theo hướng thị trường. Khi Liên Xô tan rã, Phó Chủ tịch Cuba khi ấy là Raul Castro đã ủng hộ chính sách mở cửa nền kinh tế, trước nhất ở thị trường nông nghiệp sau đó đến ngành công nghiệp du lịch bằng cách xóa bỏ độc quyền nhà nước, cho phép tư nhân tham gia.
Với việc xóa bỏ lệnh cấm vận, EU càng bỏ xa Mỹ trong việc làm ăn với Cuba. Hiện EU là đối tác thương mại lớn nhất của Cuba với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 2,5 tỷ USD (năm 2006). Mặc dù lệnh cấm vận của EU với Cuba không bao gồm lĩnh vực thương mại và đầu tư mà chỉ liên quan đến vấn đề chính trị, văn hóa, song việc dỡ bỏ lệnh cấm vận còn cho thấy EU không muốn có thêm rào cản nào trong khi làm ăn với Cuba khi mà các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Venezuela, Ấn Độ, Việt Nam, Brazil, Iran và Nga “đổ bộ” ngày càng nhiều vào Cuba. Rõ ràng cách tiếp cận vấn đề của EU mềm mỏng hơn Mỹ và tất nhiên sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn trong quan hệ EU-Cuba.
Vũ Minh