Đó còn là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, học tập mô hình festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới. Sự thành công tại các kỳ Festival Huế không chỉ góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế mà còn làm cho văn hóa thực sự là một trong những kênh đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước thời hội nhập.
Sức hút mạnh mẽ
Khởi nguồn từ Liên hoan gặp gỡ Huế (Việt Nam) và Codev (Pháp), ý tưởng tổ chức một festival quy mô, chất lượng cao do tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp xây dựng được Chính phủ Việt Nam đồng ý từ năm 1999. Sau 8 kỳ tổ chức, Festival Huế đã gợi mở một loại hình hoạt động văn hóa mới, được “định tên” trên bản đồ Festival Việt Nam và thế giới, từng bước gia nhập cộng đồng festival quốc tế. Bằng chứng là festival năm 2000 chỉ có 15 đoàn và nhóm nghệ sĩ trong nước, 7 đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia, thì qua 8 lần tổ chức đã có mặt 53 nhà hát, đoàn nghệ thuật, nhóm nghệ thuật đến từ khắp các vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và trên 60 đoàn nghệ thuật tiêu biểu của 47 quốc gia ở cả 5 châu lục hội tụ về Huế và từ Huế nhiều đoàn còn kết hợp biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố khác.
Nhã nhạc cung đình biểu diễn phục vụ du khách tại Festival Huế
15 năm - chặng đường không dài so với cộng đồng festival chuyên nghiệp quốc tế; cùng với đó là những khó khăn, bỡ ngỡ ở thuở sơ khai vừa học, vừa làm trong lần chuẩn bị và tổ chức kỳ festival đầu tiên vào năm 2000 với bao bộn bề, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, tâm lý “thế thủ” trước bước đi bất ngờ, đột biến chưa từng có bao giờ của người dân xứ Huế... Ông Lê Viết Xê, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2000, chia sẻ: “Huế từ lâu đã là một trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước. Song sự kết hợp giữa văn hóa và du lịch còn lỏng lẻo nên cần có một festival văn hóa nghệ thuật kết hợp với du lịch nhằm tạo “cú hích” cho thế mạnh đặc thù là quần thể di tích cố đô Huế đã được công nhận là di sản thế giới vào năm 1993, từ đó làm đà cho sự phát triển mới, mạnh mẽ hơn”. Ý tưởng ấy, khi lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất đã nhận được sự đồng tình của nhiều bộ, ngành trung ương. Cùng lúc đó, phía Cộng hòa Pháp với kinh nghiệm 20 năm tổ chức festival ngỏ ý cùng Huế tổ chức một festival ở quy mô lớn. Vậy là hai ý tưởng - hai nền văn hóa gặp nhau…
Mọi việc chuẩn bị tưởng êm chèo mát mái, bất ngờ trong 2 tháng cuối năm 1999, có 2 trận lũ lịch sử liên tiếp tràn qua đã làm cho cả tỉnh Thừa Thiên - Huế tiêu điều, tang tóc. “Vốn liếng” tạo động lực để tổ chức festival gần như bị xóa sạch khiến nhiều người chạnh lòng âu lo, liệu Huế có thể tổ chức một festival tầm cỡ quốc tế? Song festival đầu tiên với chủ đề “Huế - thành phố của nghệ thuật sống” vẫn diễn ra và kéo dài suốt 12 ngày đêm đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân và bạn bè quốc tế. Nhiều thành viên phía Cộng hòa Pháp lần đầu đến Việt Nam để phối hợp tổ chức Festival Huế cũng thán phục và đưa ra nhận xét: Thiên tai dù hung dữ đến bao nhiêu cũng không làm cho con người Huế nản chí. Đó là sức sống mãnh liệt và nghị lực vươn lên từ trong lòng cố đô trầm tĩnh, một triển vọng mới…
Huế lại thầm lặng chuẩn bị cho festival tầm cỡ tiếp theo với những thành công mới trên nền tảng văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô nói riêng và Việt Nam nói chung để thu hút du khách và quảng bá văn hóa Việt Nam.
Hai năm một lần, bạn bè quốc tế lại cùng hẹn nhau về Huế hòa trong mối giao lưu, đoàn kết, hữu nghị và hòa bình. Mỗi kỳ festival, du khách từ hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ đến Huế tạo ra sức lan tỏa văn hóa. Ngoài ra, từ khi có Festival Huế, nhã nhạc cung đình, ca Huế, diều Huế, nón Huế, áo dài Huế... mỗi năm ít nhất có 6 - 7 lần đến với các sự kiện chính trị quan trọng, như liên hoan nghệ thuật festival quốc tế ở các nước. Ngược lại, Festival Huế thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật khắp năm châu lục, trở thành điểm hẹn di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại Huế. Cũng qua các lần tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa đặc sắc này, người dân Huế có nhiều cơ hội tiếp xúc với người ngoại quốc, các tổ chức, chuyên gia kinh tế du lịch. Để rồi, Huế học hỏi, dần trở thành chủ nhân đích thực của thành phố lễ hội.
Saranchuk Inna, Trưởng đoàn Flamingo (Nga), tâm sự: “Lần đầu đến Huế biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế 2004, tranh thủ thời gian đi dạo trên đường Lê Lợi rợp bóng cây xanh, tôi bắt gặp những người Huế - chủ nhân của festival cứ thư thái xem như là việc của ai đấy, trong khi các nghệ sĩ và đạo diễn quốc tế ngồi trên đống lửa vì các tiết mục biểu diễn nghệ thuật. Nhưng từ Festival Huế 2008 trở đi, khán giả Huế đã luôn cho chúng tôi khoảnh khắc thăng hoa trong nghệ thuật... Cùng với các mệ, các o gái Huế chèo đò chở hoa sen làm nền cho các sân khấu nghệ thuật nổi trên mặt nước, người Huế còn tạo cho các nghệ sĩ, du khách sự gần gũi đến lạ kỳ. Họ tích cực tham gia vào các lễ hội cộng đồng tại festival trong vai diễn viên quần chúng hay những khán giả vẫn muốn làm rung động cùng người nghệ sĩ trên sân khấu”.
Nghệ sĩ, diễn viên tham dự Festival Huế biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng trên các trục đường tại TP Huế
Hồi sinh di sản
Bên cạnh việc khôi phục, tái hiện các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, Festival Huế còn là cơ hội để người dân Huế cảm nhận rõ hơn những giá trị văn hóa nhiều năm phôi pha, nay được phục hồi. Trong dòng người tham dự các nghi lễ truyền thống tại Festival Huế, họ đã thấy lại hình ảnh quen thuộc và được hòa mình trong không khí trang nghiêm tế lễ, để những giá trị văn hóa, những hình ảnh truyền thống được hồi sinh trong đời sống, trên một phương diện mới và vị trí mới trong xã hội.
Xuôi theo dòng Hương Giang thơ mộng, sẽ về đến nơi dự triển lãm “Sắc màu Thanh Tiên” tại mỗi kỳ Festival Huế. Làng Thanh Tiên gắn với nghề làm hoa giấy truyền thống thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Ngôi làng nhỏ ấy nhiều lần góp vào Festival Huế những lễ hội mang đậm chất quê dân dã, thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước. Trong ngôi nhà rường cổ kính giữa làng Thanh Tiên, họa sĩ Thân Văn Huy tổ chức triển lãm với chủ đề “Sắc màu Thanh Tiên”. Ngắm hoa giấy Thanh Tiên sắp đặt thành những bồn hoa, lẵng hoa khắp vườn ngôi nhà rường cổ kính, những người Huế xa quê lâu năm như được sống lại thời thơ ấu chụm đầu vào nhau làm hoa mỗi dịp tết đến xuân về. Còn du khách ngắm hoa sen giấy màu trắng tinh khôi sắp đặt dưới hồ nước trước nhà, bên cạnh tác phẩm được sắp đặt lạ lùng từ các nông cụ của bà con nông dân, bỗng thấy lòng mình xốn xang hoài niệm về một làng quê hoang sơ như trong cổ tích.
Cố vấn Tổng Giám đốc UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương Richard Enghenhart đã khẳng định: “Festival Huế được tổ chức chính là một minh chứng cho sự thành công mà Huế đã đạt được trong việc phục hồi lại các công trình kiến trúc của quá khứ, cùng với việc làm sống lại các truyền thống văn hóa trước đây...”. Di sản văn hóa Huế là nền tảng cho festival, ngược lại festival đã giúp di sản Huế đến được nhiều hơn với công chúng; đến một bộ phận dân cư, vùng miền được tái hiện như: lễ hội Huyền Trân, thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn, hành trình mở cõi... Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch thì di tích gắn với lễ hội được Nhà nước và các chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật trùng tu, phục chế. Trong đó có một số phế tích như đàn Xã Tắc, Khu tưởng niệm Anh hùng Quang Trung... được đầu tư phục hồi nguyên vẹn giá trị văn hóa và lịch sử.
Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có chung quan điểm, Festival Huế đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển vùng sông Hương - núi Ngự. Đó là nơi phản ánh đặc trưng văn hóa Việt Nam rất đa dạng, chứa đựng sự kỳ diệu giữa yếu tố truyền thống luôn ổn định và linh hoạt, tiếp thu những giá trị văn hóa mới, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đó cũng chính là cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng Huế thành thành phố Festival đầu tiên của Việt Nam.
Nét đặc sắc của văn hóa Việt Phát biểu tại lễ khai mạc Festival Huế 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Festival Huế ngày càng thể hiện nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, Festival Huế còn là nơi gặp gỡ và cầu nối giữa các dân tộc khi hội tụ về cố đô Huế trình diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, mang đậm dấu ấn và sức sống riêng, mở ra những cơ hội hợp tác, hữu nghị cùng xây dựng và phát triển vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng trên nền tảng đa sắc màu văn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, làm cho văn hóa thực sự trở thành một trong những kênh đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước. |
VĂN THẮNG