Gạc Ma khắc khoải khôn nguôi

Đã 35 năm trôi qua, nhưng với Đại tá Hoàng Bùi Hải, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, sự kiện 14-3-1988 như mới xảy ra ngày hôm qua. Bởi, ông từng là Bí thư chi bộ kiêm đảo trưởng đầu tiên của đảo Cô Lin, cũng là nhân chứng - người sống sót sau sự kiện Gạc Ma.

1. Đại tá Hoàng Bùi Hải hiện đã nghỉ hưu. Trong căn nhà nhỏ của ông ở TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), trò chuyện với chúng tôi, câu chuyện về Gạc Ma lại ùa về…

Gặp ông, mới thấy những di chứng do đạn của kẻ thù găm lại vẫn còn hành hạ ông đến giờ. Ông bảo, cứ trái gió trở trời thì người lại đau nhức. Ông kể, thời điểm ấy, ông đang là Thượng úy, quyền Đại đội trưởng Đại đội pháo binh đảo Song Tử Tây. Sau khi về phép, ông quay lại đơn vị (Lữ đoàn 146 Hải quân) vào khoảng 4 giờ chiều ngày 11-3-1988.

Lúc này, tình hình ngoài Trường Sa có chiều hướng phức tạp. Cấp trên lệnh, ngoài khung đảo Gạc Ma do Thiếu úy Trần Văn Phương làm đảo trưởng, lập tức triển khai ngay khung đảo Cô Lin do Thượng úy Hoàng Bùi Hải làm đảo trưởng. Lữ đoàn đưa ngay ra đảo một khung công binh để dựng “nhà cao cẳng” cho anh em ở để giữ đảo. Mỗi khung ra giữ đảo gồm 12 người cùng với các lực lượng khác.

Khi nhận nhiệm vụ, Thượng úy Hoàng Bùi Hải đề nghị phải cho quân y đi theo. Lúc này, y sĩ Phan Huy Sơn cũng vừa đi phép từ quê Diễn Châu (Nghệ An) vào. Anh Sơn cùng công tác và thân thiết với ông Hải ở đảo Song Tử Tây. Khi biết ông Hải làm đảo trưởng Cô Lin, anh Sơn đồng ý gia nhập đội hình. “Những tưởng anh em về cùng đảo với nhau sẽ lại được sống bên nhau, ai ngờ… Đó cũng là chuyến thăm nhà và vợ con cuối cùng của cậu ấy…”, ông Hải ngậm ngùi.

Tàu HQ-604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh: Tư liệu Lữ đoàn 125

Tàu HQ-604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh: Tư liệu Lữ đoàn 125

Tối 11-3, tàu HQ-604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy nhổ neo chở lực lượng công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của Lữ đoàn 146 ra xây dựng đảo Gạc Ma, Cô Lin. Các lực lượng trên tàu nằm dưới sự chỉ huy của Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146. Đến chiều 13-3, tàu đến vùng biển Gạc Ma. Lúc này, 3 tàu khu trục của Trung Quốc xuất hiện và có những hành động khiêu khích. Trước tình hình này, chỉ huy Trần Đức Thông lệnh: Tất cả sẵn sàng chiến đấu!

Đến khoảng 7 giờ sáng 14-3, phía quân Trung Quốc bắt đầu tăng cường các hành động gây hấn. Các xuồng máy liên tục chạy quanh tàu, áp sát đảo, chĩa súng về phía bộ đội Việt Nam. Sau đó, phía quân Trung Quốc xông vào cướp cờ trên đảo. Chỉ huy Trần Đức Thông lệnh cho những người biết bơi nhảy xuống bơi vào đảo để bảo vệ cờ. Mọi người cùng quây lại thành một vòng tròn. Đến khoảng hơn 8 giờ, phía quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng.

Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn ở cự ly gần, trúng ngay trán và hy sinh. Ngay sau đó, chúng dùng pháo 37mm, đại liên 12,7 ly bắn xối xả vào quân ta trên tàu. Chỉ huy Trần Đức Thông trúng đạn ngã xuống boong tàu, các anh em khác ngã nhào lên nhau.

2. Tàu bị bắn chìm, Thượng úy Hoàng Bùi Hải bị thương rất nặng, nhưng ông may mắn ôm được một tấm ván (loại ván mang ra để đóng “nhà cao cẳng”).

Ông trôi dạt về phía một số anh em còn sống sót, lúc này đang co cụm về phía Nam đảo Gạc Ma. Chỗ anh em đứng nước ngập ngang tầm ngực nhưng có một chiếc xuồng nhôm loại 7 tấn. Trên xuồng đặt thi thể anh Trần Văn Phương, còn anh Nguyễn Văn Lanh đang nằm thoi thóp. Mọi người vớt ông, đưa lên xuồng. Lúc này, anh em phát hiện tàu HQ-505 phía xa, nhưng không biết tàu neo một chỗ hay di chuyển.

Thượng úy Hoàng Bùi Hải thều thào nói đồng đội tìm 2 miếng ván cắm đứng lên tạo thành một đường thẳng với tàu, nếu một thời gian tàu không thay đổi vị trí thì có nghĩa tàu đứng im. Quả nhiên, tàu HQ-505 đang đứng im. Anh em chia làm 2 tốp, thay nhau vừa bám xuồng bơi vừa đẩy. Cuộc di chuyển từ khoảng 9 giờ sáng đến 15 giờ 30 chiều thì được đồng đội trên tàu HQ-505 phát hiện và cho xuồng đến cứu.

Sau đó, anh em tiếp tục được tàu HQ-931 đưa về đảo Sinh Tồn. Tại đây, đồng đội tổ chức lễ truy điệu và an táng anh Trần Văn Phương, còn những người bị thương được đưa về đất liền, sau đó đưa vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM).

Giờ đây, ngồi lật giở những trang bút tích được viết trong một cuốn sổ nhỏ, ông Hải rưng rưng xúc động: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên sự kiện Gạc Ma, đảo Gạc Ma của chúng ta. Chúng ta không lãng quên sự hy sinh của 64 liệt sĩ. Có như thế, thì những người còn sống sót trở về như chúng tôi mới đỡ khắc khoải về đồng đội còn nằm ngoài khơi xa”.

Tin cùng chuyên mục