Gánh nặng đè lên các doanh nghiệp vận tải

Trong năm qua ngành kinh doanh vận tải hàng hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, bị ảnh hưởng, tác động nhiều mặt làm tăng chi phí đầu vào (gồm giá cả nguyên liệu, phí bảo trì đường bộ, phí BOT).
Hành khách lên xe buýt tuyến số 1 Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn. Ảnh: CAO THĂNG
Hành khách lên xe buýt tuyến số 1 Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn. Ảnh: CAO THĂNG

Chiều 27-12, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp với Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM tổ chức buổi tiếp xúc, đối thoại giữa các doanh nghiệp vận tải hàng hóa với sở nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM Nguyễn Văn Chánh cho biết, trong năm qua ngành kinh doanh vận tải hàng hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, bị ảnh hưởng, tác động nhiều mặt làm tăng chi phí đầu vào (gồm giá cả nguyên liệu, phí bảo trì đường bộ, phí BOT). Các văn bản quy phạm pháp luật quản lý kinh doanh vận tải hàng hóa sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều điều bất cập, không còn phù hợp trong thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi.

“Trong nội tại các doanh nghiệp cũng đang diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Có doanh nghiệp giảm giá cước vận tải tới 50%, dưới mức giá cước chung rất sâu. Cùng với đó là tình trạng chở quá khổ, quá tải vẫn diễn ra và có nhiều doanh nghiệp có tới 10% - 12% số đầu xe đang hoạt động, chở quá tải. Tình trạng chở quá tải, phá giá cước không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải mà còn làm cho cầu đường nhanh chóng hư hỏng, gây mất an toàn cho người đi đường và môi trường sống bị ô nhiễm do khói bụi. Bên cạnh đó, trên địa bàn TPHCM có 5 trạm thu phí và khoảng 10 trạm thu phí của các tỉnh liền kề. Các trạm này nằm gần nhau, chỉ cách nhau trung bình từ 4,4km - 20km nên đã và đang là gánh nặng lên các nhà vận tải” - ông Nguyễn Văn Chánh nói.

Cũng theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, những bức xúc nêu trên đã kéo dài xong chưa được các ngành chức năng giải quyết. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đã kiến nghị xem lại biển cấm, điều chỉnh mở rộng giờ lưu thông trên QL1; đẩy nhanh tốc độ xây dựng vòng xoay Mỹ Thủy.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cũng đề nghị Bộ GTVT sớm trình Chính phủ sửa đổi và điều chỉnh Nghị định 86, Nghị định 46, Thông tư 63 liên quan đến hoạt động vận tải theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt những quy định không cần thiết; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi xin cấp phép chở hàng quá khổ quá tải, các giấy phép liên vận qua Campuchia, Lào; kiến nghị giảm bớt phí bảo trì đường bộ vì không có xe nào hoạt động đủ 365 ngày/năm, cần quy trách nhiệm của tài xế khi gây ra tai nạn chứ không thể để doanh nghiệp gánh hết như hiện nay là chưa hợp lý; kiến nghị Sở GTVT TPHCM làm việc với Khu công nghệ cao xin giảm thời gian giao nhận hàng từ 22 giờ xuống 20 giờ để giảm bớt áp lực phương tiện vào cảng Cát Lái.

Trước tình trạng đào tạo và cấp bằng lái xe FC quá dễ dãi, hiệp hội đề nghị Cục Đường bộ xem xét lại quy trình cấp giấy phép lái xe FC này. Ngoài ra, tình trạng kiểm tra tải trọng xe hiện nay chưa đảm bảo sự công bằng cho doanh nghiệp. Việc buông lỏng công tác kiểm soát tải trọng từ bến cảng đến trên đường khiến các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện theo quy định về tải trọng bị thiệt so với các doanh nghiệp chạy quá tải.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, rất lo ngại khi phải tiếp thanh tra nhiều lần, thanh tra nhiều lĩnh vực trong một năm. Có những quy định mà doanh nghiệp chưa rõ cách làm hoặc muốn làm phải phụ thuộc vào điều kiện khách quan nhưng đều bị thanh tra xử lý.

Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM, cho biết, trong năm 2017, Thanh tra Giao thông đã xử phạt gần 4.270 vụ vi phạm chở quá tải, tăng 9,6% số vụ so với cùng kỳ năm 2016, với số tiền phạt lên tới gần 47 tỷ đồng. Hiện tượng xe tải đi vào đường cấm, len lỏi vào các khu dân cư và chỉ chịu dừng lại khi có lực lượng Thanh tra Giao thông đang diễn ra rầm rộ ở các vùng ven. Thời gian tới, Thanh tra Giao thông sẽ mở 3 đợt kiểm tra, xử lý mạnh các xe vi phạm chở quá tải, đi vào đường cấm để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và an toàn cầu đường dịp Tết Dương lịch 2018 và Tết Mậu Tuất.

Phát biểu kết luận tại buổi đối thoại, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, về phí đường bộ, phí BOT hiện Chính phủ đang tập trung rà soát các trạm thu phí và sẽ có hướng giảm trong thời gian tới. Về việc đào tạo và cấp bằng lái FC, sở ghi nhận, nghiên cứu các ý kiến của doanh nghiệp và kiến nghị Bộ GTVT. Sở GTVT TPHCM cũng cam kết sẽ ghi nhận và tham mưu báo cáo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị còn lại của các doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục