
Theo nhận định của ông Ngô Trí Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá cả ở cả thị trường trong nước và thế giới sẽ tiếp tục có những biến động khó lường trong năm 2005. Để kiềm chế chỉ số tăng giá tiêu dùng cả năm 2005 dưới 6,5% sẽ là một việc không đơn giản.
- Phóng viên: Ông dự báo thế nào về chỉ số tăng giá tiêu dùng cả năm nay?
- Ông NGÔ TRÍ LONG: Để đạt được mục tiêu kiềm chế giá cả hàng hóa tăng ở mức dưới 6,5% như Quốc hội đề ra là một thách thức rất lớn đối với nền kinh tế trong năm 2005. Bởi năm nay có rất nhiều yếu tố tiềm ẩn, gây tăng giá.

Sắm hàng Tết ở siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chủ yếu còn tăng trưởng theo chiều rộng và phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập với cơ cấu tăng trưởng bất hợp lý thì việc kiểm soát giá cả và lạm phát là hết sức khó khăn.
Hiện hầu hết các nguyên liệu phục vụ cho đầu vào của các ngành sản xuất hầu như phải nhập khẩu, như: 100% xăng dầu, 80% phôi thép, gần 90% phân urea, khoảng 1,5 triệu tấn clinker cho nhu cầu sản xuất xi măng, 60% trị giá thuốc thành phẩm...
Trong khi đó, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá cả nguyên liệu, vật tư, hàng hóa (ví dụ như xăng dầu) vẫn giữ giá ở mức cao; gạo, thép, hóa chất, than, xi măng... cũng có nhiều khả năng tăng; USD có xu hướng tăng mạnh trở lại, tác động tới giá nhập khẩu và tỷ giá hối đoái VND/USD.
- Đó là các yếu tố bên ngoài, còn bên trong nền kinh tế thì sao, thưa ông?
- Trong nước, một số hàng hóa đầu vào cho các ngành sản xuất trước sức ép tăng giá của năm qua đã không được tăng giá nên đến đầu năm 2005 cũng đang đứng trước sức ép tăng giá. Dịch cúm gia cầm đang tái phát và có nguy cơ lan ra trên phạm vi rộng tại nhiều tỉnh, thành. Bên cạnh đó, năm 2005, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi tăng thêm 27.000 tỷ đồng cho thực hiện việc cải cách tiền lương...
- Vậy, chỉ số tăng giá tiêu dùng của quý I sẽ là bao nhiêu? Và chỉ số của cả năm 2005?
- Theo quy luật tiêu dùng, chỉ số tăng giá thường tăng cao trong quí I hàng năm, nhưng chủ yếu tập trung vào tháng 1 và 2, là các tháng có Tết Nguyên đán. Sau đó, giá sẽ giảm đến khoảng tháng 10 và tiếp tục tăng vào thời điểm cuối năm. Vì vậy, điểm mấu chốt quan trọng là phải điều hành giá cả những tháng đầu năm thật tốt. Theo tôi, nếu chúng ta kiểm soát được chỉ số tiêu dùng quí I tăng không quá 3,5% thì mục tiêu bình ổn giá cả năm 2005 hoàn toàn có thể đạt được.
- Theo ông, làm thế nào để kiểm soát giá trong tháng 1 và 2?
- Các ngành, địa phương phải thực hiện có hiệu quả biện pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo để ổn định thị trường, ổn định giá cả. Đây là thời gian 3 tháng then chốt, có ý nghĩa bình ổn giá cả trong cả năm. Cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường giá cả thế giới và khu vực để chủ động can thiệp, quyết định kịp thời các vấn đề về giá, thuế khi có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhằm giảm sự tăng giá. Cần quy định cụ thể chế tài xử lý và tăng cường công tác kiểm soát thị trường; đấu tranh và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng và các hành vi vi phạm kỷ luật về giá.
- Nhưng, thưa ông, việc tăng giá nhiều khi lại bắt đầu từ một số hàng hóa hay dịch vụ độc quyền, đôi khi lại rất khéo léo như là điều chỉnh cách tính giá mà ngành điện vừa đưa ra chẳng hạn?

Ông Ngô Trí Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả.
- Theo tôi, điều chỉnh cách tính giá của ngành điện là không hợp lý. Chẳng hạn, đâu là căn cứ để ngành đưa ra con số chỉ có 8% số người dùng điện trên 300 số (trên 300 kWh/tháng)?
Vẫn biết đặc thù của ngành điện là phải vừa sản xuất, vừa tiêu dùng, trong khi khả năng cung cấp điện năng của chúng ta còn hạn chế nên Nhà nước không thể khuyến khích người dân tiêu dùng một cách rộng rãi nhưng không nên có sự phân biệt quá lớn giữa người sử dụng trên hoặc dưới 300 số như cách mà ngành điện đưa ra.
- Vậy, phải kiểm soát như thế nào đối với một số ngành Nhà nước đang độc quyền để không bị biến thành độc quyền doanh nghiệp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng?
- Những ngành độc quyền như ngành điện mỗi khi tăng giá sẽ có những tác động rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Nhà nước cần kiểm tra chi phí sản xuất một cách nghiêm ngặt, dựa trên chi phí sản xuất một cách hợp lý. Đi cùng với nó, phải đổi mới chế độ kế toán, kiểm toán, báo cáo thông tin, thực hiện công khai hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp.
Dân chủ hóa việc định giá đối với hàng hóa, dịch vụ của các DNNN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh độc quyền. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của các tổng công ty nhà nước kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, thông qua việc quy định trách nhiệm của họ trong việc bình ổn giá cả thị trường.
- Xin cảm ơn ông.
NGỌC QUANG thực hiện