
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết đồng ý gia hạn cuộc điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri thêm 6 tháng, tức là đến giữa tháng 6-2006, đồng thời đề nghị Syria hợp tác đầy đủ với phái đoàn điều tra của LHQ.

Tổng thư ký LHQ Kofi Annan (phải) và Trưởng phái đoàn điều tra của LHQ, ông Detlev Mehlis
Tuy nhiên, Hội đồng bảo an LHQ không nhất trí với đề nghị của Lebanon về việc mở rộng ngay cuộc điều tra và thành lập một diễn đàn quốc tế về vụ này.
Nghị quyết cho rằng cho đến nay Chính phủ Syria vẫn ''chưa hợp tác đầy đủ'' với Ủy ban điều tra, đồng thời yêu cầu Syria ''hợp tác ngay lập tức và không điều kiện'' với Ủy ban này.
Nghị quyết trên cũng cho phép phái đoàn điều tra của LHQ hỗ trợ chính phủ Lebanon về mặt kỹ thuật nhằm tiến hành điều tra một loạt vụ đánh bom ám sát kể từ ngày 1-10-2004, trong đó có vụ đánh bom ngày 12-12-2005 ở thủ đô Beirut làm 4 người thiệt mạng, trong đó có nghị sĩ, nhà báo Gebran Tueni, một nhân vật có quan điểm chống Syria.
Đây là vụ ám sát thứ 3 vì những động cơ chính trị ở Lebanon kể từ khi cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri bị ám sát hồi tháng 2 năm nay, làm khoảng 10 người thiệt mạng.
Vụ ám sát nghị sĩ Gebran Tueni xảy ra một ngày trước khi Hội đồng Bảo an LHQ nhận được báo cáo mới của ông Detlev Mehlis về vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri.
Một số chính khách Lebanon cho rằng vụ sát hại ông Tueni liên quan đến bản báo cáo trên, đồng thời cáo buộc chính phủ Syria đứng đằng sau vụ này.
Tuy nhiên, chính phủ Syria đã ra tuyên bố lên án vụ sát hại ông Tueni và bác bỏ mọi cáo buộc nói Syria có dính líu.
Trước đó, ngày 13-12, trong Công hàm gửi Hội đồng bảo an LHQ, Bộ Ngoại giao Syria đã bác bỏ cáo buộc trong bản báo cáo của ông Detlev Mehlis, Trưởng phái đoàn điều tra của LHQ, về vụ sát hại cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri, rằng Damascus chậm trễ trong việc hợp tác với đoàn điều tra.
L.D (TTXVN & Reuters)