Ngày khai giảng năm học, tôi chạy xuống một trường học tại huyện Nhà Bè dự lễ. Trường nằm cách trung tâm chừng 20km nên tôi phải tranh thủ xuất phát từ lúc trời hừng sáng. Vừa chạy qua cầu Phú Xuân nối quận 7 với huyện Nhà Bè, tôi thấy thoáng chạnh lòng. Khoảng cách chỉ là nhánh sông nhỏ nhưng đời sống hai bờ lại xa nhau nhiều lắm.
Nếu như nhiều trẻ ở quận 7 nhờ nhịp sống đô thị hóa bắt đầu ngày đến trường đầu tiên trên những chiếc xe hơi mới tinh thì những em học sinh ở các xã Phước Lộc, Hiệp Phước của huyện hàng xóm Nhà Bè đã phải có mặt trên những chuyến đò ngang từ 4 - 5 giờ sáng để kịp bắt xe buýt có mặt ở trường.
Vừa đến bến đò ngang Hiệp Phước, vuốt lại chiếc áo dài trắng, em Trần Thị Kim Em (Trường THPT Long Thới) nói không kịp thở: “Em bị lỡ chuyến đò nên đến trễ. Hôm nay khai giảng năm học, 4 giờ sáng em đã ra khỏi nhà, đi bộ gần 1 tiếng mới đến bến đò. Không ngờ, nhiều bạn còn đến sớm hơn, bến đò đông hơn mọi ngày nhiều lắm”.
Những cô cậu học trò tinh tươm trong những bộ đồng phục mới, háo hức, phấn khởi đón ngày khai giảng năm học mới dù ngày lễ nhập trường ấy ở phố huyện vẫn còn đơn sơ lắm. Nếu như phần “lễ” vẫn giữ cái hồn của nghi thức truyền thống, phần “hội” lại không “chuyên nghiệp” như các trường ở nội thành. “Hoành tráng” như Trường THPT Long Thới nhân kỷ niệm 10 năm thành lập cũng chỉ có những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, thầy và trò cùng cặm cụi làm bức tranh chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... Các trường THCS càng đơn giản hơn, vắng bóng các vị lãnh đạo nhưng vẫn ấm lòng với những mẩu chuyện truyền tai về những thầy cô giáo phương xa nguyện gắn bó với học trò. Đến nơi mới thấy, lễ lạt chỉ đơn giản, mộc mạc như con người nơi đây vốn có nhưng điều thiêng liêng nhất đọng lại trong từng ánh mắt hạnh phúc của các cô cậu học trò nghèo là khi biết mình may mắn được đi học.
Khoảng cách địa lý kéo theo những khoảng cách vô hình khác. Học trò ở đây còn “quê” lắm, chúng mang theo đến trường lỉnh kỉnh những túi trái cây vườn, mấy cây kẹo xanh đỏ... chia nhau trong ngày khai giảng. Cậu học trò lớp 11 mà tôi đã gặp bé hạt tiêu như học sinh tiểu học, người nhỏ thó cũng cố gắng đến mừng ngày khai giảng dù mới hôm qua vẫn túc trực ở bệnh viện chờ tiêm thuốc tạo máu. Cô bé mỗi ngày phải lặn sông bắt cá từ tờ mờ sáng cũng kịp có mặt ở trường trong ngày đầu năm học trong chiếc áo ngả màu, với nụ cười tươi sáng dù tóc vẫn còn vương mùi bùn...
Có dịp về những vùng xa mới hiểu hết cái giá trị của ngày đầu tiên đi học thiêng liêng thế nào. Với những học trò nghèo, đường đi tìm con chữ phải vượt bao con sông, bao cách trở trong khi những em nhỏ ở nội thành lại ngán ngẩm, bội thực với việc học quá tải.
Từ xa, những chuyến đò máy cuối cùng đang hối hả băng qua sông, nối hai bờ ngăn cách mang theo những cô cậu học trò đến lớp trong ngày đầu năm học với biết bao hy vọng…
TIÊU HÀ