Nhận định tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn hơn những năm trước nên ngay từ đầu năm 2012 lãnh đạo TPHCM đã có nhiều giải pháp, chương trình hành động cấp tốc. Qua đó, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp (DN) tiếp tục gia tăng sản xuất, giảm hàng tồn và duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Hỗ trợ từng doanh nghiệp
Còn nhớ, bước vào những tháng đầu năm 2012, trên nghị trường của UBND TPHCM luôn sôi sục các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo với DN. Thống kê sơ bộ có trên 40 cuộc tiếp xúc chỉ trong những tháng đầu năm. Đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền, TP đã chủ động tổ chức làm việc với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành trung ương để lắng nghe và giải quyết các vướng mắc của DN. Ngoài ra, TP còn thành lập các tổ công tác do chính lãnh đạo TP trực tiếp phụ trách để theo dõi, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát các ngành, đơn vị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
Ngay sau đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế được triển khai trực tiếp đến cộng đồng DN. Trong đó, gia hạn nộp thuế thu nhập DN theo Quyết định 21/2011/QĐ-TTg với tổng số thuế gia hạn 1.418 tỷ đồng; thực hiện gia hạn, giảm, miễn thuế theo Nghị quyết 13/NQ-CP và Nghị quyết 29/NQ-QH13 của Quốc hội là 3.779 tỷ đồng, trong đó miễn, giảm 1.125 tỷ đồng; gia hạn 2.654 tỷ đồng.
Đối với việc hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp, lãnh đạo TPHCM đã thường xuyên làm việc với Ngân hàng Nhà nước, phối hợp với các ngân hàng thương mại và quận huyện rà soát, nắm bắt danh sách các DN đang gặp khó khăn, hỗ trợ ký các bản cam kết, hợp đồng tín dụng ưu đãi cho DN. Theo đó, chỉ trong tháng 7 đầu năm 2012, đã có 14 ngân hàng thương mại đăng ký gói hỗ trợ với tổng trị giá 31.500 tỷ đồng và 162 triệu USD; đến ngày 30-11 đã cho 2.622 DN vay 11.476 tỷ đồng và 77 triệu USD. Ngoài ra, 16 tổ chức tín dụng khác cho vay hỗ trợ DN nhưng chưa đăng ký, nay đăng ký bổ sung đã cho 940 DN vay 16.824 tỷ đồng và 150 triệu USD. Như vậy, 30 ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cho 3.562 DN vay với số tiền 28.300 tỷ đồng và 227 triệu USD; lãi suất cho vay phổ biến trong khoảng từ 10% - 13%/năm.
Là đối tượng hưởng lợi từ các chính sách này, ông Nguyễn Hữu Châu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ khí Tân Châu, quận 11 cho biết, việc giãn, giảm thuế và hỗ trợ tiếp cận vốn rẻ từ ngân hàng, một phần giúp DN vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, TPHCM cũng đã hỗ trợ quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại. Cụ thể, TP chủ động tổ chức trên 40 hội chợ, triển lãm, hội thảo với nhiều hoạt động phong phú; tổ chức 22 khóa huấn luyện đào tạo; 6 “Phiên chợ hàng Việt” với sự tham gia của 218 doanh nghiệp, thu hút 107.000 lượt khách tham quan mua sắm. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của mỗi địa phương, hỗ trợ các DN xúc tiến đầu tư. Đến nay có hơn 500 DN của TP đã ký kết hợp tác tại các tỉnh, đầu tư 548 dự án với tổng giá trị ước khoảng 116.723 tỷ đồng. Đây là những giải pháp kích cầu trực tiếp, đồng thời giải phóng hiệu quả lượng hàng tồn kho cho các DN.
Đẩy mạnh chiến lược dài hạn
Chương trình kích cầu thông qua đầu tư là một trong những điểm sáng của TPHCM. Trong năm 2012 đã phê duyệt mới 34 dự án tham gia, với tổng mức đầu tư 1.808 tỷ đồng, số vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 920 tỷ đồng. Hiện nay, TP đang hỗ trợ lãi vay 84 dự án với tổng vốn ngân sách hỗ trợ trong năm ước thực hiện 523 tỷ đồng. Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai cho biết, chương trình kích cầu của TP đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế. “Ngân sách TP chỉ bỏ ra hơn 1.600 tỷ đồng nhưng đã huy động nguồn vốn xã hội gần 23.500 tỷ đồng. Như vậy, 1 đồng vốn ngân sách huy động được 16 đồng vốn các thành phần kinh tế đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại TP”, ông Lai đánh giá.
Ngoài ra, TP cũng đã lập Quỹ Bảo lãnh để tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn DN tham gia hoạt động bảo lãnh tín dụng. Tính đến nay, quỹ đã phối hợp với 17 chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tiếp cận 1.127 doanh nghiệp, trong đó tư vấn trực tiếp cho 105 DN với nhu cầu vốn là 958 tỷ đồng; thực hiện bảo lãnh cho 53 DN với doanh số bảo lãnh là 680 tỷ đồng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận 1.148 tỷ đồng vốn của ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hải, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, thời gian qua TPHCM đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN, từ đó kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho, đặc biệt tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, bên cạnh các chính sách, giải pháp hỗ trợ tích cực của Nhà nước, quan trọng nhất vẫn là bản thân các DN. DN phải rà soát, cơ cấu lại các khoản đầu tư, kiểm soát được dòng vốn, tập trung vào lĩnh vực chính, hạn chế đầu tư dàn trải; xác định rõ chiến lược, xây dựng các phương án kinh doanh khả thi để vực dậy sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin cho các đối tác, ngân hàng và người lao động. Ngoài ra, Hiệp hội DN và các hội thành viên cần phát huy tích cực vai trò của mình trong việc hỗ trợ các DN về thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, sâu rộng các chủ trương, chính sách của nhà nước; chủ động, tích cực giúp các hội viên tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, thị phần.
| |
>> “Giải cứu” hàng tồn, kích thích tăng trưởng - Bài 1: Doanh nghiệp “vượt cạn”
LẠC PHONG