Giải pháp dạy học "chữa cháy" đối với địa bàn chưa thể triển khai dạy học 2 buổi/ngày

Chiều 16-3, tại UBND quận 12, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 (ngày 28-11-2014) và Nghị quyết số 51/2017/QH14 (ngày 21-11-2017) của Quốc Hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại buổi làm việc, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày trên toàn quận đạt 28,3%, trong đó tỷ lệ học sinh công lập học 2 buổi chỉ đạt 25,8%.

Tương tự, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc THCS đạt 28,7%, trong đó công lập chỉ đạt 26,5% .

Đánh giá kết quả triển khai chương trình, đại diện Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, chương trình nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND TPHCM, Sở GD-ĐT trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho quận, huyện triển khai chương trình.

Song song đó, các điều kiện triển khai chương trình được chuẩn bị từ khá sớm (tìm hiểu khung chương trình, rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công tác truyền thông đến xã hội) nên tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội.

Đặc biệt, nhà trường được giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học một cách hợp lý, khoa học.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Qua 3 năm thực hiện, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo chương trình mới đã có những chuyển biến tích cực như học sinh mạnh dạn trình bày ý kiến trước lớp, việc học tập theo hình thức nhóm trong lớp ngày càng phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, học sinh nắm được kiến thức cơ bản của môn học, được trang bị phương pháp lĩnh hội bài học thông qua rèn luyện kỹ năng thực hành nhằm phát triển phẩm chất, năng lực.

Tuy nhiên, do sự gia tăng dân số cơ học hàng năm tăng cao, địa phương chỉ đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân, không đảm bảo tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo yêu cầu chương trình.

Bên cạnh đó, nhiều trường trên địa bàn quận thường xuyên thiếu giáo viên các môn như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Công nghệ và hầu như không tuyển dụng được do không có giáo viên đăng ký tuyển dụng.

Với tình trạng thiếu hụt giáo viên nên hầu hết giáo viên nhiều môn (cấp tiểu học) phải dạy các tiết kiêm nhiệm, trong khi đó giáo viên dạy 2 buổi/ngày để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không nhận được khoản hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày so với các khối lớp khác cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý, đời sống của giáo viên.

Trước thực tế khó khăn của địa phương, bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đặt câu hỏi: Học sinh học 1 buổi sẽ bị ảnh hưởng thế nào so với các lớp dạy 2 buổi?

Đáp lại băn khoăn này, bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, đối với các trường không thể triển khai dạy học 2 buổi/ngày sẽ chọn giải pháp phát huy tiện ích của hệ thống học tập trực tuyến, tận dụng các kênh tương tác với học sinh qua zalo, facebook, viber…

Song song đó, giáo viên đẩy mạnh dạy học cá thể hóa, đặt câu hỏi gợi mở cho học sinh tự nghiên cứu bài học tại nhà, triển khai mô hình lớp học đảo ngược (học sinh tìm hiểu bài học ở nhà trước khi lên lớp) để không ảnh hưởng điều kiện học tập của học sinh ở các lớp một buổi.

Liên quan đến vấn đề chất lượng sách giáo khoa, bà Lê Thị Song An, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho biết, nhiều trường hợp trang giấy trong các bộ SGK rơi ra nhưng phụ huynh ra ngoài rất khó mua được sách mới gây khó cho việc học của học sinh.

Bà Lê Thị Song An, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An băn khoăn vấn đề chất lượng SGK

Bà Lê Thị Song An, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An băn khoăn vấn đề chất lượng SGK

Đối với kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học theo chương trình mới, báo cáo của quận 12 cho biết, hàng năm ngân sách đều bố trí kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy học.

Trong đó, riêng bậc tiểu học, kinh phí mua sắm trong 3 năm qua hơn 2 tỷ đồng, bậc THCS hơn 4 tỷ đồng.

Đánh giá cao nỗ lực của địa phương, bà Lê Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội cho rằng, lần thay đổi chương trình và SGK này là lần đầu tiên cả nước thay đổi toàn diện từ chương trình, SGK đến phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá học sinh.

"Chúng ta có thể đi chậm nhưng không được phép sai. Trong đó, đầu tư cho con người cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Tôi cho rằng các chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên là một trong những giải pháp cần thiết giúp đội ngũ yên tâm gắn bó với nghề", bà Mai Hoa bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục