Chà đi xát lại
Nhiều địa phương thường chà đi xát lại các điểm kinh doanh nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội (TNXH).
Tại quận Bình Tân, với các điểm có biểu hiện vi phạm, tần suất kiểm tra định kỳ và đột xuất tăng lên 2-4 lần/cơ sở/tháng. Các điểm kinh doanh không phép thì cương quyết đóng cửa không cho hoạt động. Các điểm kinh doanh có phép nếu kiểm tra bị bắt quả tang hành vi kích dục sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, tái phạm sẽ chuyển hồ sơ sang công an đề nghị khởi tố về hành vi “kinh doanh trái phép” các mặt hàng, dịch vụ khác liên quan.
Tại các khu vực “nóng”, quận Bình Tân đã treo 50 băng rôn cảnh báo. Đồng thời, thiết lập các chốt di động gồm công an phường, dân phòng và lực lượng bảo vệ dân phố thường trực, thay nhau chốt chặn trước cửa mặt bằng các quán có biểu hiện TNXH khiến khách ham vui phải dè chừng và các chủ quán phải nản chí, bỏ cuộc.
Đến nay, quận Bình Tân đã cơ bản xóa các quán cà phê kích dục và nhà hàng, quán ăn nhạy cảm và tiếp tục chuyển hóa các cơ sở xông hơi, xoa bóp, massage, hớt tóc thanh nữ… Số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm giảm từ 179 xuống còn 45.
Tại phường 14 (quận Bình Thạnh), từ giữa năm 2008, phường phát động và xây dựng lực lượng nòng cốt ở xung quanh 22 cơ sở kinh doanh dịch vụ ngành nghề dễ phát sinh TNXH. Mỗi khi có dấu hiệu bất thường từ các cơ sở kinh doanh, các cựu chiến binh, cán bộ hưu trí trong lực lượng nòng cốt và người dân sinh sống gần đó lập tức báo cho lãnh đạo phường. Từ tin báo, sau khi điều nghiên, tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội phường tổ chức kiểm tra, xử lý kiên quyết nếu vi phạm. Địa phương làm kiên quyết, điện thoại của lãnh đạo phường liên tục nhận được những lời đe dọa.
Khi dân đồng thuận
Đường Hồ Văn Huê (phường 9, quận Phú Nhuận) đầu những năm 2000, tuy dài chưa đầy 1km nhưng hai bên đường dày đặc nhà hàng, massage, hớt tóc thanh nữ, nhà nghỉ…
Để giải quyết vấn nạn trên, phường 9 chuyển sang vận động người dân hợp tác, đồng sức giải quyết vấn nạn nhạy cảm. Thực tế, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều thuê địa điểm của người dân trong phường. Còn người dân lại đi nơi khác thuê nhà giá rẻ hơn để ở hầu có thu nhập từ tiền chênh lệch; mọi hoạt động ở nhà cũ phó mặc cho người chủ kinh doanh đang thuê nhà.
Tuy nhiên, khi vận động người dân nên thu hồi nhà, chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, các chủ nhà phản ứng dữ dội, cho rằng đó là việc riêng, lợi ích của gia đình. “Phải có người dũng cảm đi đầu, dám hy sinh lợi ích riêng của mình và gia đình thì người khác mới làm theo và bình yên mới trở lại” - ông Trần Thanh Xuân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 9, đặt vấn đề cùng lãnh đạo phường.
Thay vì dàn trải, phường 9 tập trung triển khai cuộc vận động vào nhóm đối tượng khoảng 20 cựu chiến binh, cán bộ hưu trí. Kết hợp tiếng nói uy tín của gần 600 cán bộ hưu trí, cựu chiến binh trong phường, lãnh đạo phường cũng trực tiếp tiếp xúc, khuyến khích. Kết quả, 20 cựu chiến binh, cán bộ hưu trí đều đồng thuận thể hiện trách nhiệm với bà con xung quanh, không vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm bằng việc cắt hợp đồng thuê nhà đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Đầu xuôi đuôi lọt, lần lượt các chủ nhà khác đều thu hồi lại nhà, chung tay cùng với phường xây dựng môi trường sống văn hóa.
Cùng với vận động chủ doanh nghiệp chuyển đổi nghề lành mạnh, vận động người dân cắt hợp đồng thuê nhà, phường 14 (quận Bình Thạnh) thường xuyên tổ chức các buổi họp ở khu phố, tổ dân phố để người dân bày tỏ bức xúc khi phải sống chung với các hoạt động nhạy cảm và nói lên nguyện vọng được sống trong môi trường văn hóa, thanh bình. Không được sự hoan nghênh hưởng ứng của người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm buộc phải thu dọn việc kinh doanh. “Đúng là các cơ sở ngành nghề dễ phát sinh TNXH không còn kinh doanh trên địa bàn phường thì phường cũng mất một nguồn thu ngân sách. Nhưng phường không hề “tiếc”. Quan trọng hơn là đã đảm bảo được môi trường văn hóa lành mạnh. Đó là thành quả chung mà phường gặt hái được từ sự đồng tình, đồng tâm hiệp sức của nhân dân” - Chủ tịch UBND phường 14 Nguyễn Văn Quý chia sẻ.
HỒ VIỆT - ĐƯỜNG LOAN