Vấn đề nan giải
Thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy, tính đến ngày 14-2, cả nước có 2.402 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động. Số lượng lao động năm 2022 là 61.228 lao động. Số lao động được đào tạo dưới mọi hình thức (ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học) dưới 60%. Trong đó, số lao động được đào tạo trên đại học chưa tới 1%, đại học và cao đẳng chiếm khoảng 20%, trung cấp khoảng 10%, còn lại là sơ cấp nghề hoặc chưa qua đào tạo.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho rằng, nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp in hiện nay đang là vấn đề nan giải đối với nhiều cơ sở, không chỉ ảnh hưởng xấu tới sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn mà còn có thể dẫn tới nguy cơ tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Ông Nguyễn Nguyên lý giải: “Sự biến đổi nhân lực xảy ra ở hầu hết các cơ sở in, gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Sự diễn biến lao động này theo chiều ra nhiều hơn vào, làm cho các doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động rất nhiều, nhất là trong những thời điểm mang tính mùa vụ của các doanh nghiệp in”.
Theo PGS-TS Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội In TPHCM, giống như các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam, ngành in cũng đang được hưởng lợi rất nhiều từ việc chuyển đổi số, nhưng việc hưởng nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động và cụ thể là nguồn nhân lực. “Nếu nguồn nhân lực của chúng ta yếu, đi sau các nước, không theo kịp và dẫn đến việc chúng ta chậm phát triển hơn thì sự hưởng lợi đó không tồn tại ở Việt Nam”, ông Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tận dụng nguồn lực đang có
So sánh trong khu vực cho thấy, quy mô ngành công nghiệp in Việt Nam tuy có bước phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam hiện chỉ có khoảng 2.400 doanh nghiệp với tổng doanh thu vào khoảng 4 tỷ USD, đứng thứ tư, sau Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Tuy vậy, tiềm năng và cơ hội cho ngành in của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều. Ông Ngô Anh Tuấn chỉ ra: Sự phát triển của ngành in gắn liền với nền sản xuất hàng hóa trong nước như một ngành công nghiệp phụ trợ, vì để đóng gói sản phẩm nào cũng cần sản phẩm của ngành in.
Đặc biệt, khi quy mô xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 5 năm lại tăng lên gấp 2 lần về kim ngạch với giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD vào năm 2019, năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022. “Nếu ngành in và bao bì chiếm tỷ trọng vài phần trăm trong giá trị này thì chúng ta hoàn toàn tự tin ngành in Việt Nam sẽ trở thành ngành công nghiệp trọng điểm”, ông Ngô Anh Tuấn cho biết.
Muốn có được điều đó, một trong những bài toán quan trọng mà ngành in phải giải, chính là nhân lực. Theo đánh giá, nhu cầu nguồn nhân lực đào tạo của ngành in vào khoảng 2.200-2.500 người/năm. Tuy nhiên, hiện nay cả nước chỉ còn 4 cơ sở đào tạo, gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Trường Cao đẳng Công nghiệp in và Trường Trung cấp Kỹ thuật - Kinh tế Sài Gòn 3. Tổng số đào tạo mỗi năm khoảng 1.200 học viên, mới chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu của ngành in. Điều này đặt ra cho ngành in yêu cầu trước mắt về công tác đào tạo nhân lực.
Bà Huỳnh Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP In nhãn hàng An Lạc, cho biết, đến thời điểm này hiện chỉ còn Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM là đào tạo ra kỹ sư công nghệ in và Trường Trung cấp Kỹ thuật - Kinh tế Sài Gòn 3 đào tạo công nghệ in. Theo bà Thu Hằng, thay vì thành lập một trung tâm mới đào tạo nhân lực cho ngành in, hãy tận dụng những gì đang có, thông qua đầu tư về ngân sách để nâng cấp thiết bị máy móc ngay tại đó, tạo điều kiện thu hút sinh viên, học sinh. Bởi lẽ, để thành lập một trung tâm mới sẽ rất tốn kém. Chưa kể, để đào tạo, huấn luyện in cần những người tâm huyết, có kiến thức, kỹ năng, trong khi phần lớn những người này đã chuyển sang thành lập doanh nghiệp từ lâu.
Cũng theo bà Thu Hằng, nhu cầu lao động bậc cao trong doanh nghiệp và trong xã hội càng ngày càng cao. Khi đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với các doanh nghiệp có năng lực tự đào tạo bằng cách giảm một phần chi phí hoặc giảm thuế. Nhà nước cần đầu tư ngân sách để các hiệp hội ngành nghề đứng ra tổ chức lớp học, mời giảng viên, quảng bá thu hút người học. “Hiện nay, tỷ lệ đào tạo nghề của Việt Nam mới chỉ có 25%, rất thấp so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan… Nếu để chờ các trường sẽ không bao giờ kịp nên phải thực hiện song song nhiều việc cùng lúc”, bà Huỳnh Thị Thu Hằng nói thêm.