Giải trí cho trẻ em: An toàn là số 1

Giải trí, giáo dục và an toàn là ba tiêu chí hàng đầu đối với các sản phẩm dành cho đối tượng thiếu nhi. Tuy nhiên, trong bối cảnh tốc độ phát triển internet như hiện nay, câu chuyện an toàn sẽ được đảm bảo như thế nào?      
Quá nhiều ẩn họa
Trong tham luận “Con em chúng ta xem gì trên mạng” tại hội thảo “Phát triển nội dung truyền hình giải trí trong bối cảnh chuyển dịch số”, nhà báo Nhật Hoa - Trưởng ban VTV7, kênh Truyền hình giáo dục quốc gia, nêu ra 2 ví dụ mà chị là người chứng kiến. Đó là việc các em không biết do vô tình hay hữu ý đã xem được 2 video: Doremon chế và Đời anh xe ôm (bản chế của ca khúc nổi tiếng Despacito). Cả 2 video này đều có những nội dung bạo lực, tình dục, hoặc không phù hợp cho trẻ nhỏ… mà không có bất cứ cảnh báo nào. Chị Nhật Hoa cho biết, một hệ quả ngay trước mắt đó là việc các em sử dụng tiếng lóng có trong các video này, hay bàn bạc sôi nổi khi nào có tập tiếp theo để xem.  
Trên thực tế, những nội dung ẩn chứa các yếu tố bạo lực, tình dục… trên môi trường giải trí trực tuyến là vô vàn. Lý do là những trang chia sẻ video trực tuyến như YouTube hay mạng xã hội Facebook, trẻ em có thể thoải mái, dễ dàng xem kể cả những video chỉ dành cho người lớn mà không có sự giám sát của các bậc phụ huynh. Chị Nhật Hoa nhấn mạnh, điều đáng nói là nếu người lớn có thể chỉ xem video đó 1-2 lần thì trẻ em có thể xem đi xem lại vài chục lần. Còn nhớ, đầu tháng 1-2017, dư luận từng kịch liệt lên án loạt video cosplay tại Việt Nam xoay quanh hai nhân vật người nhện Spiderman và nữ hoàng băng giá Elsa với nhiều nội dung bạo lực và thậm chí dung tục, phản cảm. Sự việc đã được giải quyết, nhưng đó chưa phải là trường hợp duy nhất. Với khối lượng lên đến hàng tỷ video như của YouTube, việc quản lý tận gốc dường như bất khả thi. Và chắc chắn, số lượng những kiểu video vi phạm như thế chưa có dấu hiệu dừng lại.   
Giải trí cho trẻ em: An toàn là số 1 ảnh 1 Dù là các chương trình nhập hay tự sản xuất, yếu tố an toàn cho trẻ phải được đặt lên hàng đầu
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) nêu quan điểm: “Không thể phủ nhận các nhà sáng tạo trên cộng đồng mạng có nhiều nhân tố mới, sản phẩm thông minh, góp phần tạo nên thị trường sôi động. Tuy nhiên, cũng có không ít video giật gân, bạo lực, tình dục… vì đó là đề tài người làm truyền hình không dám làm”.
Ông Đỗ Thanh Hải cũng khẳng định, việc sản xuất các nội dung cho thiếu nhi không chỉ chạy theo số lượng mà phải có tính định hướng, lành mạnh. Với các kênh truyền hình hay các chương trình dành cho thiếu nhi trên sóng, những nội dung không phù hợp lứa tuổi, thiếu lành mạnh được kiểm soát gần như tuyệt đối, bởi quy trình kiểm duyệt khắt khe. Tuy nhiên, với các nền tảng mở, đặc biệt trong xu hướng giải trí trực tuyến bùng phát như hiện nay, rất dễ lách luật. 
Kiểm soát như thế nào?
Theo Social Blade (một trang web xếp hạng các trang mạng xã hội bao gồm YouTube, Twitch, Instagram, Twitter dựa trên số lượng người xem, người theo dõi) trong Top 10 các trang YouTube tại Việt Nam có đến 6 trang dành cho trẻ em và 2 trong số đó ở vị trí dẫn đầu. Các trang này hiện đang sở hữu hàng ngàn video với lượt người theo dõi lên đến hàng triệu, hàng tỷ lượt xem. Với kho nội dung khổng lồ như thế, có ai dám chắc 100% đều được kiểm duyệt nội dung kỹ càng.  
Liên quan đến câu chuyện kiểm soát, theo bà Hà Thị Tú Phượng, Người sáng lập Metub Network - một đối tác của YouTube tại Việt Nam, mỗi năm YouTube luôn phát triển các công cụ nhằm truy quét các nội dung không lành mạnh, đặc biệt cho trẻ em, ở mức xa nhất có thể. Bà cũng tiết lộ, trong năm 2018, YouTube có thể thuê đến 10.000 người chuyên làm các công việc kiểm duyệt nội dung hoàn toàn bằng tay. Tuy rất nỗ lực và quyết liệt nhưng các động thái đó chưa thể đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho trẻ em. 
Ở góc độ những người làm sản xuất truyền hình, chị Nhật Hoa cho rằng: “Trẻ em mong muốn các nội dung giải trí vui vẻ, hấp dẫn, trong khi đó phụ huynh muốn con em mình xem nội dung an toàn, bổ ích. Thách thức của các nhà sản xuất là tạo ra nội dung lành mạnh”. Chị Hoa cho biết, quy trình sản xuất các chương trình mới của VTV7 rất nghiêm ngặt, từ việc lên kế hoạch, phát phiếu thăm dò, sản xuất thử nghiệm, lấy ý kiến, chỉnh sửa trước khi đưa vào phát chính thức.
Trong khi đó, theo ca sĩ Thanh Bùi - CEO của Công ty CP Truyền thông Purpose Media - đơn vị hợp tác với HTV phát triển kênh HTV3: “Tôi không nghĩ đến việc khi ra mắt các chương trình sẽ được khán giả đón nhận bao nhiêu phần trăm đâu. Tôi chỉ mong, khán giả sẽ thích. Còn nếu chưa thích ngay được, thì sẽ thích dần dần, cái gì cũng cần có thời gian. Tôi chỉ có niềm tin rằng, cái gì đúng sẽ đúng, cái gì có ảnh hưởng tốt sẽ tốt”.
Một bài học về kiểm soát cũng rất đáng được học hỏi, đó là trường hợp của Netfilx cho phép người dùng tự đưa ra quyết định về những nội dung phù hợp. Công cụ parental controls (kiểm soát của phụ huynh) với hình thức cài đặt mã PIN nhằm ngăn chặn nội dung người lớn. Trẻ muốn được xem các nội dung này phải được phép của bố mẹ, hoặc có bố mẹ xem cùng. Sau khi đưa vào sử dụng, đa số người dùng cảm thấy chế độ an toàn rất hữu ích. Câu hỏi đặt ra là, nếu bất kỳ trang mạng xã hội nào cũng có được công cụ kiểm soát vùng cấm như vậy, khi đó phụ huynh sẽ chẳng còn lo ngại về tính an toàn của con em mình khi lên mạng. Nhưng, để đạt đến thực tế đó, chắc chắn sẽ còn rất xa. Trước mắt, chẳng còn cách nào khác là phải tự bảo vệ chính mình và con em trong thời buổi số hóa.

Tin cùng chuyên mục