Giảm hợp lý số đại biểu Quốc hội trong các cơ quan hành pháp, tư pháp

Việc tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, giảm đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác trong các cơ quan hành pháp, tư pháp đã có chủ trương của Đảng. Nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong các đề án, văn bản hướng dẫn bầu cử đại biểu Quốc hội.

Chiều nay 12-11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội. Ban soạn thảo dự án Luật đã gửi đến ĐBQH báo cáo về một số nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ.

Theo báo cáo của Ban soạn thảo, có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ, chính sách của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thu hút người về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của đại biểu để đóng góp cho Quốc hội.

Trong thời gian qua, chế độ, chính sách của đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nói riêng đã có sự quan tâm, thể hiện sự đãi ngộ tốt hơn so với các nhiệm kỳ trước đây. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ là vấn đề rất cụ thể, có thể thay đổi theo từng giai đoạn cho phù hợp với khả năng đáp ứng của ngân sách và cân đối chung với các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Sắp tới, trong quá trình xây dựng thang bảng lương theo vị trí việc làm trong toàn bộ các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, kiến nghị cụ thể về chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để bảo đảm đãi ngộ thích đáng và thu hút được cán bộ tốt.

Do đó, đề nghị không bổ sung những nội dung này vào dự thảo luật.

Về loại ý kiến cho rằng, số lượng không quá 500 đại biểu Quốc hội như luật hiện hành là khá đông, đề nghị giảm từ 10% -15% số lượng đại biểu so với hiện nay (tương tự như giảm số lượng đại biểu hội đồng nhân dân). Ban soạn thảo giải thích, việc xác định số lượng đại biểu Quốc hội phải căn cứ vào đặc điểm tình hình của từng thời kỳ, dựa trên nhiều yếu tố về chính trị, văn hóa, xã hội và tiến trình dân chủ hóa trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, số lượng đại biểu Quốc hội cũng có sự thay đổi nhất định.

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980, tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, đến năm 1992 là không quá 400 người, năm 1997 là không quá 450 người. Từ năm 2001 đến nay, số lượng đại biểu Quốc hội đã được giữ ổn định là không quá 500 người. Theo đó, việc cơ cấu, bố trí số lượng đại biểu Quốc hội để bảo đảm tính đại diện cho từng địa phương, từng nhóm cơ quan, tổ chức cũng như các thành phần xã hội đã đi vào nề nếp. Nếu thay đổi số lượng đại biểu thì cần có sự rà soát, chuẩn bị phương án thấu đáo.

Về những ý kiến đề nghị giảm số đại biểu Quốc hội công tác ở các cơ quan hành pháp và tư pháp, Ban soạn thảo cho biết, việc tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, giảm đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác trong các cơ quan hành pháp, tư pháp đã có chủ trương của Đảng. Nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong các đề án, văn bản hướng dẫn bầu cử đại biểu Quốc hội, “bảo đảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra, giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp" mà không quy định cứng trong luật để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng nhiệm kỳ bầu cử.

Tin cùng chuyên mục