Giảm kẹt xe trước cổng trường: Cần phối hợp từ nhiều phía

Sở GD-ĐT TPHCM vừa tổ chức đoàn khảo sát về công tác phòng chống ùn tắc giao thông trước cổng trường tại một số quận, huyện trên địa bàn TP. Nhìn chung, các đơn vị đều có nhiều sáng kiến trong việc chấn chỉnh tình trạng giao thông trước cổng trường như cho phụ huynh vào sân trường đón con, bố trí giờ ra về lệch nhau giữa các khối lớp, phân công lực lượng tình nguyện viên làm công tác điều phối giao thông trước cổng trường… Song tình trạng giao thông trước cổng trường vẫn chưa thật sự cải thiện. Vì sao?
Giảm kẹt xe trước cổng trường: Cần phối hợp từ nhiều phía

Sở GD-ĐT TPHCM vừa tổ chức đoàn khảo sát về công tác phòng chống ùn tắc giao thông trước cổng trường tại một số quận, huyện trên địa bàn TP. Nhìn chung, các đơn vị đều có nhiều sáng kiến trong việc chấn chỉnh tình trạng giao thông trước cổng trường như cho phụ huynh vào sân trường đón con, bố trí giờ ra về lệch nhau giữa các khối lớp, phân công lực lượng tình nguyện viên làm công tác điều phối giao thông trước cổng trường… Song tình trạng giao thông trước cổng trường vẫn chưa thật sự cải thiện. Vì sao?

        Phần nhiều do ý thức

Nhiều năm trở lại đây, cổng Trường THCS Chu Văn An (quận 1) và THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình) nổi tiếng về kẹt xe do vỉa hè trước cổng trường bị hàng rong chiếm dụng. Phụ huynh đến đón con không có chỗ đậu xe trên vỉa hè phải tràn xuống lòng đường khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Song từ năm học này, nhờ sự quyết tâm của ban giám hiệu, hàng rong đã suy giảm nhưng do diện tích lòng đường phía trước trường quá hẹp, cùng một lúc không thể gánh mật độ giao thông khá cao nên ùn tắc vẫn diễn ra vào giờ cao điểm.

Mặc dù Trường THCS Trương Công Định (quận Bình Thạnh) đã mở cửa cho phụ huynh vào sân trường đón con nhưng nhiều người vẫn đậu xe trước cổng trường gây nên ùn ứ.

Mặc dù Trường THCS Trương Công Định (quận Bình Thạnh) đã mở cửa cho phụ huynh vào sân trường đón con nhưng nhiều người vẫn đậu xe trước cổng trường gây nên ùn ứ.

Tương tự, cổng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) nằm ngay giao lộ Lý Thường Kiệt - Thiên Phước nên vào giờ tan học, xe cộ gần như không thể lưu thông. Anh Vũ Sơn, phụ huynh có con học tại đây, cho biết: “Hầu như chiều nào cổng trường cũng kẹt cứng. Phần do vỉa hè quá nhỏ, chiều ngang chỉ vừa đủ đậu một xe gắn máy, độ cao chênh lệch với mặt đường khá lớn; phần vì cổng trường ở ngay giao lộ, chịu sự đan xen của nhiều hướng xe lưu thông. Phụ huynh đến đón con trễ đã đành, ngay cả những người đến đón sớm cũng không dám đậu xe trên vỉa hè vì sợ khi xe cộ đông đúc sẽ không có chỗ quay đầu xe trở ra. Kẹt xe vì thế càng thêm nghiêm trọng”. Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường ngoài một số nguyên nhân khách quan do diện tích và chiều cao vỉa hè, vị trí cổng trường nằm ngay giao lộ, còn do ý thức kém từ một bộ phận không nhỏ phụ huynh. Mặc cho lực lượng điều phối viên liên tục hướng dẫn mọi người xếp hàng đậu xe, nhưng thực tế mạnh ai người nấy đậu, quay đầu xe vô tội vạ khiến giao thông càng thêm hỗn loạn.

Cổng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Gò Vấp) là một ví dụ điển hình về kẹt xe do ý thức của phụ huynh. Nằm sát ngay ngã tư Phan Văn Trị - Nguyễn Thái Sơn, giờ cao điểm mật độ xe đã đông đúc. Khi học sinh ra về, phụ huynh chạy từ hướng Bình Thạnh về quận Gò Vấp thay vì phải chạy hết chiều dài dải phân cách, vòng xe lại hướng đường Nguyễn Thái Sơn để đón con. Nhưng nhiều người đã băng xéo qua ngã tư, chạy ngược chiều từ giao lộ về hướng cổng trường khiến lưu thông rối loạn. Một số nơi khác, trạm xe buýt nằm sát ngay cổng trường. Vào mỗi giờ tan trường phụ huynh đậu xe tràn xuống lòng đường khiến xe buýt không thể vào trạm dừng đón và trả khách mà phải đậu ngay giữa lòng đường. Còi xe inh ỏi, các phương tiện lưu thông bát nháo, kẹt xe vì thế có khi kéo dài hơn cả cây số.

        Cần một sự chung tay

ThS Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, đợt khảo sát vừa qua cho thấy bản thân các trường đều đã có nhiều cố gắng trong việc tìm ra giải pháp giảm tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường. Nhiều đơn vị đã chọn cách mở cửa cùng lúc các cổng trường cho phụ huynh vào sân trường đón con, bố trí giờ ra về giữa các khối lớp lệch nhau từ 10 - 20 phút, phân công lực lượng sao đỏ, tình nguyện viên làm công tác điều phối giao thông trước cổng trường… Song, tất cả đều chưa thật sự đạt được hiệu quả nếu không có sự phối hợp từ phía phụ huynh. Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 bày tỏ, nhiều học sinh khi làm công tác điều phối giao thông trước cổng trường còn bị phụ huynh la mắng, quát tháo ngược lại. Giờ cao điểm, mặc cho tiếng còi xe, tiếng điều khiển của các tình nguyện viên, nhiều người vẫn không tuân thủ. Đơn cử như tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (quận 1) từ lâu đã nổi tiếng về kẹt xe bởi trong phạm vi chưa đầy 1km có đến 4 trường học cùng mở cửa cho học sinh ra về là THCS Minh Đức, THCS Đồng Khởi, THPT Ernst Thalmann và Tiểu học Nguyễn Thái Học. Vào giờ tan học, dù đã có lực lượng cảnh sát giao thông điều phối nhưng kẹt xe vẫn là bài toán chưa tìm ra lời giải.

Ngoài ra, đối với một số cổng trường thường xuyên kẹt xe do chiều ngang vỉa hè quá hẹp, độ cao khá dốc so với mặt đường, cổng trường gần giao lộ hoặc trạm xe buýt, muốn khắc phục tình trạng ùn tắc cần có sự vào cuộc của các đơn vị chức năng. Trong tình hình quỹ đất của TPHCM có hạn, việc di dời trường học gần như là điều không thể. Do đó để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường, bảo đảm an toàn cho học sinh vào giờ tan học, TP cần cân nhắc đến các giải pháp di dời trạm xe buýt, thay đổi độ dài cũng như vị trí lắp đặt các dải phân cách, mở rộng chiều ngang vỉa hè, tăng thêm các gờ lên xuống để xe máy dễ dàng lưu thông... Làm được điều đó, tình trạng giao thông trước cổng trường có thể được cải thiện, học sinh không phải “sống trong sợ hãi” vào mỗi giờ ra về.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục