Giảm thuế, phí có mức độ để đảm bảo sức mạnh tài chính công

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, sáng 18-3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.

Các đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Trần Hoàng Ngân, Hà Phước Thắng (Đoàn ĐBQH TPHCM) trong buổi chất vấn tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Trần Hoàng Ngân, Hà Phước Thắng (Đoàn ĐBQH TPHCM) trong buổi chất vấn tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời tất cả chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng kết phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định, cả hai Bộ trưởng đều đã có sự chuẩn bị và trả lời “rất kỹ, rất chu đáo”.

Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, mức trừ giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng với cá nhân nộp thuế và 4 triệu đồng với người phụ thuộc khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đến nay không còn phù hợp trong bối cảnh chỉ số lạm phát tăng hàng năm và tình hình kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn.

“Bộ Tài chính có phương án xét tăng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế thu nhập cá nhân và người phụ thuộc trong thời gian tới chưa, mức giảm trừ bao nhiêu là phù hợp?”, nữ ĐB hỏi.

Cùng bày tỏ quan tâm đến vấn đề thuế, phí, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị Bộ trưởng quan tâm, điều chỉnh chính sách theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân mới, góp phần tăng tiêu dùng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng thời gian tới. Cần có giải pháp đột phá, nhất là giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, vì số lượng doanh nghiệp hiện nay rút khỏi thị trường rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ với nhận định mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp do giá cả gia tăng. “Tuy nhiên, việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, bộ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Dự kiến năm 2025 sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi đó bộ sẽ nêu quan điểm và lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan để từ đó xây dựng phương án, trình Quốc hội”, người đứng đầu ngành tài chính phản hồi.

s1f-8873.jpg
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Quốc hội vừa quyết định giảm nhiều khoản thuế, phí, nhưng giải pháp này có những giới hạn nhất định. “Để tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, phải tập trung gỡ nút thắt pháp lý, nút thắt thủ tục đầu tư, nút thắt môi trường, nút thắt chất lượng sản phẩm, nút thắt tín dụng chứ không có nghĩa cứ giảm thuế, phí”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lập luận và khẳng định thuế, phí là nguồn thu ngân sách.

Cứ giảm thuế, phí thì giảm sức mạnh tài chính công, trong khi đất nước còn bội chi ngân sách; như thế sẽ không hiệu quả, ảnh hưởng đến hệ thống, nền kinh tế. Khi doanh nghiệp làm ăn được họ không nợ thuế, không nợ ngân hàng, không nợ trái phiếu, không nợ bảo hiểm, họ có tích lũy thì đất nước sẽ hùng mạnh.

Đau xót vụ “chuyến bay giải cứu”

Chiều 18-3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đăng đàn trả lời chất vấn. Tình trạng người dân bị lừa đi lao động ở nước ngoài, bị ép buộc làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm; tình trạng tiêu cực trong một bộ phận cán bộ ngành ngoại giao… là những chất vấn “gai góc” mà nhiều ĐB đặt ra với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.

ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân bị cưỡng bức lao động phi pháp ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thừa nhận, đây là vấn đề phức tạp, nổi lên chủ yếu từ năm 2020 đến nay. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân không tin vào những lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”; nhất là hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.

Bên cạnh đó, bộ đã chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức.

s1g-6356.jpg
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhận định, thời gian qua, còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ của ngành ngoại giao. Bộ trưởng có ý kiến gì và có biện pháp gì để ngăn chặn những tiêu cực trong nội bộ ngành?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, một số vụ việc gần đây, nhất là vụ chuyến bay giải cứu “là sự kiện rất đau xót đối với ngành ngoại giao, vốn có truyền thống gần 80 năm, cũng như đối với cá nhân và các gia đình có cán bộ vi phạm”. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định: Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc và rút ra một số biện pháp đang làm, sẽ kiên quyết, kiên trì làm.

Theo thông báo của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi các đại biểu Quốc hội chiều 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thay đổi chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, thời gian tổ chức hội nghị này (để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7) sẽ diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28-3 (trước đó, theo Kế hoạch số 759/KH-UBTVQH15, hội nghị diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23-3).

PHAN THẢO - ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục