Giao thông tại TPHCM tiếp tục căng thẳng

Cùng với đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ, nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa cũng tăng cao khiến giao thông tại TPHCM tiếp tục căng thẳng, nhiều tuyến đường bị ùn tắc, quá tải…

Tắc từ nội đô ra cửa ngõ

Lưu lượng giao thương giữa TPHCM với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ rất lớn. Thế nhưng, giao thông từ TPHCM kết nối với các tỉnh, thành còn nhiều điểm nghẽn trên quốc lộ 1A, quốc lộ 13, đường Mai Chí Thọ, quốc lộ 50, Xa lộ Hà Nội… Trên những tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn ứ, khi có tai nạn xảy ra thì giao thông lập tức rối loạn.

Tài xế Lăng Viết Dũng (làm việc cho một doanh nghiệp vận tải chạy tuyến TPHCM - TP Phan Thiết) cho hay, cứ mỗi lần vào đến cửa ngõ TPHCM là bắt đầu nhích từng chút một, tốc độ còn khoảng 20km/giờ, thậm chí chỉ còn 10km/giờ. Lý do, ở khu vực đầu đường Mai Chí Thọ giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng như suốt tuyến đường đến hầm Thủ Thiêm, xe cộ luôn đông nghẹt.

Mặc dù Sở GTVT TPHCM đã cho mở rộng đường nhánh nối từ đường Mai Chí Thọ lên đường dẫn cao tốc thêm một làn đường rộng 3,5m, và mở 2 làn đường cho phép xe lưu thông 2 chiều từ đường Nguyễn Thị Định bọc theo công viên ngã ba An Phú rẽ vào đường Mai Chí Thọ nhưng tình hình không được cải thiện nhiều. Cách đó không xa, đoạn Xa lộ Hà Nội (khu tưởng niệm Vua Hùng, TP Thủ Đức giáp ranh với Bình Dương) cũng thường xuyên ùn tắc do tuyến đường ở đây bị thu hẹp lại.

Giao thông tại TPHCM tiếp tục căng thẳng ảnh 1 Các phương tiện ùn ứ trên quốc lộ 13 (đoạn giao với cầu vượt Bình Triệu). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một điểm nóng thường xuyên xảy ra ùn tắc khác là quốc lộ 13, kéo dài từ tỉnh Bình Dương đến cầu vượt Bình Triệu (TPHCM). Tình trạng ùn tắc thường xảy ra vào các giờ cao điểm sáng và chiều. Quốc lộ 13 có 2 làn ô tô, 1 làn xe máy nhưng do xe cộ quá đông và nhiều tài xế xe ô tô thiếu ý thức nên thường xuyên cho xe lấn vào làn xe 2 bánh. Xe gắn máy không có đường đi cũng chạy luôn lên vỉa hè. Giao thông vì thế luôn tiềm ẩn nguy cơ ùn ứ và tai nạn. Chưa hết, đến gần cầu Bình Triệu, đường chỉ còn một làn cho xe ô tô nên giao thông càng trở nên rối và tắc. Tương tự, nhiều tuyến đường gần sân bay Tân Sơn Nhất như Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Nguyễn Thái Sơn… vào giờ cao điểm luôn đông nghẹt người, xe cộ phải nhích từng chút.

Ngược về cửa ngõ phía Tây, tuyến đường tới cao tốc TPHCM - Trung Lương có hai đường dẫn nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Đoạn đường từ nút giao quốc lộ 1A - Võ Văn Kiệt kéo dài đến nút giao Nguyễn Văn Linh - tuyến đường huyết mạch để các phương tiện giao thông từ Long An đi vào trung tâm TPHCM - cũng thường xuyên xảy ra ùn ứ do chiều rộng đường rất hẹp. Hay như quốc lộ 50 nối từ TPHCM đi Long An cũng thường xuyên quá tải ở làn ô tô, xe gắn máy phải đi lên vỉa hè. Những ngày cuối tuần, lễ tết càng xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.

Trong nội thành, khu vực trung tâm TPHCM với quy hoạch đô thị theo dạng “bàn cờ” cũng đã trở nên lạc hậu với dòng xe ô tô quá nhiều, kéo dài qua nhiều giao lộ làm cho hướng đi ngang không còn đường để qua. Tình trạng này thường xuyên xảy ra ở các nút giao Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn, Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

Nhiều dự án đang chờ vốn

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, trong tương lai, TPHCM sẽ có đường Vành đai 3 dài 76,34km, đi qua các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, sẽ góp phần giảm tải áp lực cho tuyến quốc lộ 1A. Với quốc lộ 13, khi đường Vành đai 2 hoàn thành, các ô tô sẽ di chuyển trên tuyến đường này để đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, nên chắc chắn sẽ được giảm tải.

Còn ở hướng Tây, TPHCM sẽ nghiên cứu kéo dài đường Võ Văn Kiệt tới Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhằm góp phần giảm tải cho quốc lộ 50. Ngoài ra, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp với UBND huyện Bình Chánh khẩn trương bổ sung hướng tuyến, quy mô đoạn từ Vành đai 3 đến ranh tỉnh Long An vào Đồ án quy hoạch chung thành phố và các đồ án quy hoạch có liên quan, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông), TPHCM đã phê duyệt xây dựng nút giao An Phú tại khu vực cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây giao với đường Mai Chí Thọ, tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng. Nút giao An Phú sẽ có 3 tầng với hầm chui, cầu vượt và đảo trung tâm, tháp biểu tượng. Khu vực nút giao Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống cũng sẽ xây dựng 2 cầu vượt nối đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội) với đường Đồng Văn Cống và ngược lại.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, thông tin, nút giao An Phú là giao lộ kết nối giữa điểm đầu của đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối của đường Mai Chí Thọ, trục giao thông xương sống của Khu đô thị Thủ Thiêm. Khu vực này cũng là điểm giao nối với đường Đồng Văn Cống đi cảng Cát Lái và nằm trong bán kính 1,5km với khu vực cảng Trường Thọ. Do đó, các công trình nêu trên hoàn thành sẽ góp phần tháo điểm nghẽn giao thông rất lớn cho TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, theo ông Lương Minh Phúc, trừ dự án nút giao thông An Phú đã được bố trí vốn và sẽ khởi công trong thời gian tới, các dự án còn lại đều chưa có vốn. Chẳng hạn, các dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ Bình Dương đến cầu vượt Bình Triệu dài gần 6km, quy mô 60m; dự án cải tạo quốc lộ 1A đoạn từ huyện Bình Chánh (cầu vượt Nguyễn Văn Linh) hướng về quận Bình Tân; dự án xây dựng thêm 2 nhánh cầu Bình Điền để phù hợp với phần đường mở rộng… đang chờ bố trí vốn trung hạn 2021-2025 để trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư công.

Theo đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn từ nay đến năm 2030, TPHCM cần khoảng 970.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông. Đây là số tiền rất lớn trong bối cảnh ngân sách gặp khó khăn. Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn liên tục tăng. TPHCM đang quản lý 8,7 triệu xe, trong đó hơn 850.000 ô tô và gần 7,8 triệu xe gắn máy 2 bánh. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng ô tô tăng 7,2% và xe gắn máy 2 bánh tăng 2,7%.


Trong năm nay, TPHCM đã nghiên cứu đề xuất 3 giải pháp chống kẹt xe như thu phí ô tô vào khu trung tâm, cấm ô tô khách trên 30 chỗ vào nội đô theo khung giờ nhất định, và xây dựng 16 nút giao thông khác mức hoặc mở rộng nút hiện hữu.


Nguồn: Sở GTVT TPHCM

Tin cùng chuyên mục